Hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia tại Thừa Thiên Huế

Những năm qua, với sự quan tâm của các cấp, ngành, việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp cải thiện và nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy kinh tế-xã hội theo hướng bền vững. Kết quả thực hiện các chương trình đã giúp các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thay đổi diện mạo, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số khởi sắc.
0:00 / 0:00
0:00
Huyện A Lưới chọn hướng phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng để cụ thể hóa các chương trình mục tiêu quốc gia.
Huyện A Lưới chọn hướng phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng để cụ thể hóa các chương trình mục tiêu quốc gia.

Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về ba chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 về xây dựng nông thôn mới; xóa đói, giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Thừa Thiên Huế đã đem lại hiệu quả to lớn. Nguồn vốn đầu tư từ các chương trình góp phần làm cho diện mạo kinh tế-xã hội các xã vùng sâu, vùng xa ngày càng đổi thay tích cực, đời sống nhân dân được nâng cao về mọi mặt…

Tập trung các nguồn lực, giúp người dân thoát nghèo

Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn ưu tiên, tập trung các nguồn lực và thực hiện nhiều chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững một cách hiệu quả; từng bước giúp người dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

A Roàng là một trong 12 xã biên giới của huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đại đa số; vốn là xã biên giới xa xôi, hẻo lánh, đặc biệt khó khăn với địa hình đồi núi cách trở, đất sản xuất manh mún, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn. Từ khi thụ hưởng nguồn vốn đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, A Roàng có nhiều đổi thay.

Từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước kết hợp với sự đóng góp của người dân, đến năm 2020, nhiều tuyến đường giao thông liên thôn, đường ngõ dài hơn 4 km của xã A Roàng đã được cứng hóa 100%, bảo đảm đi lại thuận tiện cho bà con; hệ thống nước sạch, điện lưới quốc gia được kéo tới các thôn, bản của toàn xã. Hệ thống trường học, trạm y tế, các công trình thủy lợi và cơ sở hạ tầng khác cũng được đầu tư xây dựng khang trang, giúp cho A Roàng có diện mạo hoàn toàn khác so với trước đây.

Bí thư Đảng ủy xã A Roàng Thái Đặng Nhật Quang cho biết, thực hiện các tiêu chí về thu nhập, phát triển sản xuất, giảm tỷ lệ hộ nghèo, căn cứ điều kiện thực tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, A Roàng đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; tích cực đưa giống cây trồng có giá trị kinh tế, chất lượng cao vào sản xuất.

Thực hiện các tiêu chí về thu nhập, phát triển sản xuất, giảm tỷ lệ hộ nghèo, căn cứ điều kiện thực tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, A Roàng đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; tích cực đưa giống cây trồng có giá trị kinh tế, chất lượng cao vào sản xuất.

Bí thư Đảng ủy xã A Roàng Thái Đặng Nhật Quang

Bằng các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, xã A Roàng đã mở rộng diện tích trồng các loại cây hàng hóa có giá trị kinh tế, mang lại thu nhập cho bà con. A Roàng cũng tập trung phát huy tiềm năng, thế mạnh trong du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch trải nghiệm gắn với du lịch văn hóa truyền thống dân tộc; duy trì các lễ hội A Za, bảo tồn và phát huy nghề dệt Zèng và nghề đan lát truyền thống.

Là huyện nghèo của tỉnh Thừa Thiên Huế, chương trình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới tại huyện miền núi A Lưới đạt được những kết quả quan trọng. Để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện đã tập trung vào ba nội dung đột phá là: tạo việc làm cho lao động, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và hỗ trợ về sinh kế.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, huyện A Lưới đã và đang triển khai tạo việc làm, xóa nhà tạm cho người dân. Nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao đã và đang được triển khai như: trồng chuối già lùn, nấm, sâm bố chính, chăn nuôi bò, lợn hữu cơ...

Điển hình như mô hình trồng chuối già lùn của ông Nguyễn Hải Teo, trú tại thôn Pi Ây 2, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới. Năm 2018, qua tìm hiểu và biết được giống chuối già lùn thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất A Lưới, ông Teo đã bỏ số vốn 500 triệu đồng để mua giống chuối, làm vườn để trồng loại chuối này.

“Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, cũng như áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, bón phân hữu cơ cho nên đã đem lại năng suất cao. Từ vụ chuối đầu tiên cho thu nhập cao, tôi đã mở rộng trồng thêm hàng trăm gốc chuối già lùn. Đến nay sau hơn bốn năm triển khai, vườn chuối của gia đình tôi mỗi năm thu lãi hơn 100 triệu đồng”, ông Teo tâm sự.

Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, cũng như áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, bón phân hữu cơ cho nên đã đem lại năng suất cao. Từ vụ chuối đầu tiên cho thu nhập cao, tôi đã mở rộng trồng thêm hàng trăm gốc chuối già lùn. Đến nay sau hơn bốn năm triển khai, vườn chuối của gia đình tôi mỗi năm thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hải Teo, trú tại thôn Pi Ây 2, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới

Từ mô hình trồng chuối già lùn mang lại hiệu quả kinh tế cao của ông Nguyễn Hải Teo, nhiều người dân ở xã Quảng Nhâm và các hộ đồng bào dân tộc Pa Cô ở các xã và thị trấn thuộc huyện A Lưới đã vay vốn mở rộng diện tích trồng chuối già lùn. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi ha chuối già lùn mang lại thu nhập từ 70-100 triệu đồng, nhờ đó nhiều người dân trên địa bàn đã có cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Tại huyện miền núi Nam Đông, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều chương trình, dự án một cách quyết liệt và đồng bộ. Đến nay, hạ tầng nông thôn đã được tăng cường đầu tư, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nam Đông Trần Quốc Phụng cho biết, sau hai năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn lực đã huy động đầu tư trên địa bàn huyện đạt hơn 66 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi toàn huyện tăng lên 40,9 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm đáng kể, năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo chiếm 8,25% thì đến cuối năm 2022 giảm xuống còn 5,3%...

Hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia tại Thừa Thiên Huế ảnh 1

Mô hình giảm nghèo về chăn nuôi gia cầm của bà con dân tộc thiểu số huyện miền núi Nam Đông.

Nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình, sau hơn hai năm triển khai thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia, hạ tầng nông thôn đã được tăng cường đầu tư, diện mạo nông thôn có bước khởi sắc.

Sau hơn hai năm triển khai thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia, hạ tầng nông thôn đã được tăng cường đầu tư, diện mạo nông thôn có bước khởi sắc.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình

Các mô hình ứng dụng công nghệ cao dần được hình thành và phát triển; công tác phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn đã được quan tâm đầu tư; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang được mở rộng ở các địa phương; chương trình du lịch nông thôn và công tác chuyển đổi số hướng tới nông thôn mới thông minh được tỉnh đầu tư và được các địa phương, người dân hưởng ứng.

Các nội dung về văn hóa, xã hội, giáo dục, môi trường từng bước được quan tâm, góp phần làm cho đời sống tinh thần của người dân nông thôn phát triển theo hướng lành mạnh hơn, văn minh hơn; hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường và củng cố; an ninh trật tự, an toàn xã hội nông thôn tiếp tục được giữ vững; đời sống của nhân dân vùng nông thôn từng bước được cải thiện; văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm.

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu đến năm 2025 có 82 xã đạt chuẩn nông thôn mới, giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 3%, đưa bốn xã và ba thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, một huyện thoát khỏi huyện nghèo, bảy xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,0-2,2%.

Theo kế hoạch của tỉnh Thừa Thiên Huế, trong năm 2023 này, tổng nguồn vốn được phân bổ cả ngân sách Trung ương và địa phương là hơn 263 tỷ đồng để triển khai hơn 10 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Mới đây, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua Nghị quyết định mức hỗ trợ nhà ở cho đối tượng được thụ hưởng theo Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, 2.019 hộ dân thuộc các huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc và thị xã Hương Trà sẽ được hỗ trợ nhà ở trong Dự án 1 Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nghị quyết này cũng quy định, mỗi hộ dân sẽ được nhận mức hỗ trợ 60 triệu đồng để xây nhà “3 cứng”; trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 40 triệu đồng và nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động đóng góp hợp pháp khác hỗ trợ 20 triệu đồng ■