Quyết liệt dập dịch bạch hầu tại các địa phương

NDO -

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Kon Tum có 20 ca dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó, có chín trường hợp người lành mang trùng. Do đó, UBND tỉnh Kon Tum đã ra văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp tại Kon Tum đang tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bạch hầu.

Lập chốt chặn xịt thuốc kháng khuẩn để phòng dịch tại làng O, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.
Lập chốt chặn xịt thuốc kháng khuẩn để phòng dịch tại làng O, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy Dương Quang Phục cho biết: "Sau khi nhận được thông tin, kết quả xét nghiệm, ngay trong đêm, UBND huyện đã phối hợp Viện Dịch tễ Tây Nguyên, Sở Y tế xuống hiện trường; đồng thời chỉ đạo Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện phối hợp UBND xã Ya Xiêr và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch.

Huyện đã triển khai nhanh, chính xác tại tâm dịch như: Truy tìm những người tiếp xúc với ca dương tính, từ đó khoanh vùng, khám sàng lọc, lấy máu xét nghiệm, tiến hành các biện pháp tiếp theo; tổ chức lực lượng cấp phát thuốc điều trị dự phòng; phân công theo dõi, kiểm soát chặt chẽ việc uống thuốc của người dân; phun hóa chất xử lý môi trường tại địa bàn xã Ya Xiêr và các xã lân cận; trọng tâm là các vùng dịch làng O, làng Trang và làng Rắc (làng giáp biên).

Tổ chức lập chốt chặn, phân công cán bộ, công chức phụ trách địa bàn, nhóm hộ theo dõi, nắm chắc tình hình dịch bệnh để kịp thời báo cáo về UBND huyện để đưa ra phương án xử lý tối ưu".

Anh_4-1593760148489.jpg
Khám cho bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

Còn tại huyện Đăk Tô, trong ba năm gần đây, diễn biến của bệnh bạch hầu trên địa bàn rất phức tạp. Năm 2018, có hai trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó, có một trường hợp tử vong. Năm 2019, ghi nhận một trường hợp và sáu tháng đầu năm 2020 ghi nhận bốn trường hợp. Trong bốn hợp mắc bệnh đầu năm 2020 được cách ly điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô, có hai trường hợp đã khỏi bệnh, hai trường hợp đang điều trị, sức khỏe ổn định.

Nguyên nhân chính xảy ra bệnh bạch hầu trên địa bàn Đăk Tô do những người trước đây chưa được tiêm chủng, hoặc đã được tiêm rồi nhưng vaccine không bảo đảm, không có miễn dịch trong cộng đồng.

Theo BS Võ Văn Hùng, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật HIV và AIDS, Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngoài thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Sở Y tế và UBND huyện trong công tác phòng, chống dịch bệnh, Trung tâm Y tế Đăk Tô còn triển khai các biện pháp như: Lập danh sách cách ly với các trường hợp tiếp xúc gần ca mắc bệnh; cho uống thuốc dự phòng, cách ly tại nhà.

“Chúng tôi đã triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, phun hóa chất khử khuẩn tại địa phương có dịch; rà soát những người chưa được tiêm đủ ba mũi vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) thì triển khai tiêm bổ sung. Hiện tại,  chúng tôi đã triển khai tiêm đạt hơn 95% và đang tiếp tục tiêm cho những người còn sót”, BS Võ Văn Hùng thông tin thêm.

Nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn trong thời gian tới, ngành Y tế tỉnh Kon Tum xác định cần tập trung các biện pháp như: Tiếp tục giám sát chặt chẽ các ổ dịch đang hoạt động, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới để cách ly, điều trị, khoanh vùng, khống chế dịch bệnh kịp thời, không để lan rộng, bùng phát trong cộng đồng; Tăng cường công tác tiêm chủng, bảo đảm tỷ lệ tiêm nhắc lại vaccine phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT4) cũng như tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới một tuổi đạt hơn 95% trở lên; Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống dịch bạch hầu cho cộng đồng, nhất là các khuyến cáo của ngành Y tế về phòng, chống dịch bệnh bạch hầu và truyền thông về tác dụng, lợi ích tiêm chủng, đối tượng và lịch tiêm để người dân biết, chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch ngăn chặn dịch bệnh.

Anh_7-1593760148038.jpg
Đo nhiệt độ, kiểm tra sức khoẻ cho các trường hợp nghi nhiễm, tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu tại Khu cách ly Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

Ngoài ra, giải pháp căn bản, hiệu quả nhất để ngăn chặn dịch bệnh bạch hầu bùng phát là triển khai tiêm vaccine phòng bệnh uốn ván - bạch hầu (TD) cho đối tượng từ bảy tuổi trở lên, nhằm tạo miễn dịch cho cộng đồng. Thực tế cho thấy, các xã đã triển khai tiêm vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng, phòng chống dịch bệnh bạch hầu cho đối tượng lớn tuổi, thì không xuất hiện ca bệnh trở lại.

Theo BS CKII Võ Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum, bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch, lây qua đường hô hấp, tất cả mọi lứa tuổi, giới tính đều có thể mắc bệnh, nhưng thường xảy ra ở những trẻ không được tiêm chủng.

Hiện nay, một bộ phận lớn người dân đã lớn tuổi không thể miễn dịch bệnh bạch hầu do trước đây chưa được tiêm vaccine vì sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Miễn dịch bệnh bạch hầu cũng có giới hạn duy trì được 10 năm và sẽ giảm dần theo thời gian nếu không được tiêm bổ sung. Bên cạnh đó, điều kiện vệ sinh của bà con không bảo đảm, công tác chăm sóc sức khỏe và khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế còn hạn chế, làm cho các đối tượng dễ mặc bệnh, hoặc mang mầm bệnh bạch hầu, tạo ổ bệnh trong cộng đồng như hiện nay.

Số liệu các năm cho thấy ổ dịch trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã được tích cực kiểm soát, khống chế kịp thời và hiệu quả. Số người mắc trong mỗi ổ dịch không nhiều, chỉ rải rác một, hai ca. Tuy nhiên, dịch bạch hầu còn xuất hiện là do nguồn lực hạn chế nên tiêm vaccine DPT phòng, chống bệnh còn thấp, chưa triển khai được nhiều, rộng rãi. Một số vùng có nguy cơ nhưng chưa có điều kiện để tiêm phòng vaccine DPT. Bên cạnh đó thì trong cộng đồng còn người mang mầm bệnh mà chưa được phát hiện. Chính vì vậy còn xuất hiện rải rác bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bạch hầu, BS Võ Văn Hùng cho biết: Những đối tượng người lành mang trùng trên địa bàn huyện Đăk Tô rất khó xác định, trừ khi được khám và xét nghiệm đồng loạt mới phát hiện ra được. Những trường hợp này tồn tại ngoài cộng đồng rất nguy hiểm, vì nó có khả năng lây lan lớn trong cộng đồng.

Trong những năm qua, tình hình dịch bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp, nhưng nguồn kinh phí dành cho công tác phòng chống bệnh bạch hầu theo phân bổ đầu năm không có. Khi thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bạch hầu thì chúng tôi vướng trong công tác mua thuốc, trang thiết bị, đồ bảo hộ thực hiện công tác phòng dịch bệnh... Bên cạnh đó, một khó khăn quan trọng nữa là ý thức phòng bệnh của một số người dân chưa cao, dẫn đến lơ trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Đồng chí Dương Quang Phục cho biết, khó khăn của huyện Sa Thầy hiện nay trong việc phòng, chống dịch là bảo đảm các chốt chặn, cách ly. Tuyến đường vào trong làng O và làng Trang là tuyến đường liên xã, vào trong là tuyến đường đi xã Ya Tăng. Do đó làm sao vừa thực hiện biện pháp chốt chặn, vừa thực hiện lưu thông hàng hoá, cung cấp nhu yếu phẩm cho địa phương nơi có dịch cũng rất khó khăn. Tuy nhiên, UBND huyện Sa Thầy quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, làm tốt công tác phòng, chống dịch bạch hầu để bảo đảm an toàn và sức khỏe cho người dân.