FED đã quyết định giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức 5,25%-5,50%, được duy trì từ 7/2023, để lắng nghe phản ứng của nền kinh tế và các thị trường tài chính, song vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất trong thời gian tới. Hoạt động kinh tế mở rộng với tốc độ mạnh mẽ trong quý III là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách FED nhất trí giữ nguyên mức lãi suất hiện nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh mức tăng việc làm vẫn mạnh và lạm phát vẫn cao, FED tiếp tục xem xét mức độ củng cố chính sách bổ sung để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%.
Kể từ tháng 3/2022 đến nay, FED đã thực hiện 11 đợt tăng lãi suất, đưa chỉ số này lên mức cao nhất trong 22 năm. Dù giảm mạnh trong 12 tháng qua nhưng lạm phát vẫn trên mức mục tiêu. Gần đây, FED đã giảm tốc độ tăng lãi suất. Chủ tịch FED Jerome Powell nhận định, lạm phát của Mỹ vẫn ở mức quá cao.
Theo ông Powell, những dữ liệu tích cực trong vài tháng qua chỉ là sự khởi đầu của những gì cần thiết để xây dựng niềm tin rằng lạm phát đang giảm một cách bền vững về mức mục tiêu. FED hiện chưa rõ những dữ liệu tích cực này sẽ duy trì bao lâu, hay tình hình lạm phát diễn biến như thế nào trong những quý tới. Theo nhà kinh tế trưởng của Công ty kiểm toán và tư vấn tài chính EY, FED đã hoàn thành chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, nhưng đến tháng 6/2024, việc cắt giảm lãi suất vẫn chưa bắt đầu.
FED đã quyết định giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức 5,25%-5,50%, được duy trì từ 7/2023, để lắng nghe phản ứng của nền kinh tế và các thị trường tài chính, song vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất trong thời gian tới.
Chính sách tiền tệ của FED đang phát huy hiệu quả, giúp giảm áp lực đối với hoạt động kinh tế và lạm phát. Thực tế cho thấy, nền kinh tế Mỹ vẫn chống chịu tốt với tỷ lệ lãi suất cao. Những dữ liệu gần đây cho thấy sức mạnh của nền kinh tế Mỹ được hỗ trợ nhờ chi tiêu tiêu dùng bền vững, trong khi thị trường lao động vốn thắt chặt cũng đang có dấu hiệu nới lỏng. Một quan chức cấp cao của FED cho rằng, cơ quan này đi đúng hướng để giải quyết tình trạng lạm phát của Mỹ mà không đẩy nền kinh tế đất nước vào cuộc suy thoái nghiêm trọng.
Các chỉ số kinh tế của nền kinh tế số 1 thế giới khá tươi sáng. Lạm phát đã giảm nhiều, thị trường lao động tiếp tục được cải thiện. Trong tháng 9 vừa qua, lạm phát chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi ở mức 3,7%. Thị trường việc làm cân bằng hơn giữa cung và cầu, trong khi tăng trưởng tiền lương chậm lại. Lạm phát còn cao song tiếp tục đà hạ nhiệt. Ðây là thước đo chính, là chỉ số quan trọng hàng đầu tác động tới các quyết định lãi suất của FED.
Gần đây, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức cao nhất trong 16 năm qua khi các nhà giao dịch có thêm nhiều kỳ vọng rằng lãi suất sẽ phải duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn để giảm lạm phát. Trái phiếu dài hạn có mức lợi suất cao hơn sẽ đẩy chi phí vay tiêu dùng lên cao. Ðiều này có thể làm giảm tốc độ tăng giá. Lợi suất dài hạn cao hơn có thể giúp ích trong việc giảm lạm phát. Theo các quan chức FED, trên thực tế, sự gia tăng lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ không khác một đợt tăng lãi suất, do đó FED có thể trì hoãn lộ trình tăng lãi suất thêm một thời gian.
Các quyết định của FED dựa trên tất cả các dữ liệu, triển vọng và cân bằng rủi ro. Theo Chủ tịch FED, một loạt những bất ổn cả cũ lẫn mới đang làm phức tạp thêm chính sách tiền tệ. Con đường giảm lạm phát của Mỹ còn nhiều khó khăn, trong bối cảnh FED tiếp tục thực hiện cam kết chống lạm phát. Các chuyên gia cho rằng, ông Powell đã phát đi tín hiệu rằng FED sẵn sàng tăng lãi suất trở lại, phụ thuộc vào các chỉ số lạm phát và thị trường lao động trong giai đoạn từ đầu tháng 11 tới giữa tháng 12 tới, thời điểm Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) nhóm họp lần cuối cùng trong năm 2023.