Tác động được dự báo khi FED tăng lãi suất

Sau một tháng tạm dừng, cuối tuần qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thông báo nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (0,25%). Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện vào khoảng 5,25-5,5% - cao nhất kể từ năm 2001. Đây cũng là đợt tăng lãi suất thứ 11 của FED kể từ tháng 3/2022. Động thái tăng lãi suất của FED nằm trong dự đoán của các nhà đầu tư và chuyên gia.
0:00 / 0:00
0:00
Tỷ giá chưa có biến động quá mạnh sau quyết định tăng lãi suất của FED. Ảnh: NAM ANH
Tỷ giá chưa có biến động quá mạnh sau quyết định tăng lãi suất của FED. Ảnh: NAM ANH

Giới phân tích thị trường cho rằng, đợt tăng lãi suất của FED lần này đã nằm trong dự báo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nên tác động không nhiều.

Tỷ giá sẽ biến động nhẹ

Động thái tăng lãi suất của FED được các chuyên gia cho rằng sẽ làm cho chênh lệch giữa lãi suất VND và USD lớn hơn. Đồng USD đang trở nên hấp dẫn hơn so với VND, từ đó làm giảm đi sức hút đối với luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam và nguồn kiều hối cũng bị ảnh hưởng. Đồng thời, có thể dòng tiền rút ra khỏi Việt Nam, bởi một lãi suất cao thì dòng vốn lại chảy ngược về Mỹ, không tìm đến các thị trường cận biên như Việt Nam. Điều này sẽ tạo nên sức ép tới tỷ giá. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, tỷ giá đang được ủng hộ bởi dòng tiền từ các giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A). Do đó, tỷ giá vẫn tương đối ổn định.

Đối với bài toán xuất nhập khẩu, giới phân tích nhận định, tỷ giá biến động cũng tác động lên hoạt động xuất nhập khẩu.

Bà Trần Hải Yến, chuyên gia chứng khoán cho rằng: Hiện nay, tỷ giá chưa có biến động quá mạnh sau quyết định tăng lãi suất của FED. Do đó, chưa có doanh nghiệp xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng nhiều từ câu chuyện FED tăng lãi suất.

Tuy nhiên, việc liên tục thắt chặt tiền tệ từ cuối năm 2022 đến nay ảnh hưởng tới đà hồi phục kinh tế của Mỹ, thậm chí có nguy cơ rơi vào suy thoái nhẹ. Điều này khiến cho cầu của thế giới yếu đi. Trong khi đó, Việt Nam là nước có độ mở kinh tế lớn (tính theo kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa/GDP tương ứng khoảng 200%), khi các thị trường xuất khẩu như Mỹ, Trung Quốc, EU,... suy yếu, chắc chắn xuất khẩu bị ảnh hưởng. Hay nói cách khác, lãi suất tăng là nguyên nhân sâu xa làm số đơn hàng của Việt Nam thời gian qua sụt giảm mạnh, nhiều nhà máy đóng cửa và sa thải công nhân.

Cùng chung quan điểm, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đồng USD có thể tăng giá, chắc chắn sẽ tác động đến tỷ giá giữa USD và VND, trong bối cảnh Việt Nam đang liên tục tìm cách hạ mặt bằng lãi suất.

“Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang xuất siêu sang thị trường Mỹ, do đó nguồn thu đồng USD về Việt Nam vẫn tích cực. Chúng ta chỉ cần tích cực kiểm soát nhập khẩu, kiểm soát tỷ giá ở trong nước bằng cách cân bằng cán cân xuất nhập khẩu. Thực tế, NHNN đang làm tốt bình ổn tỷ giá”, ông Doanh nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận định việc FED tăng lãi suất làm tỷ giá hối đoái chịu tác động mạnh. Nếu chúng ta cố gắng chạy theo giá trị của đồng USD sẽ dẫn tới hai tác động không tốt cho nền kinh tế: Một là, tạo áp lực lên lạm phát; hai là xuất khẩu sẽ tăng lên nhưng nhập khẩu cũng đắt lên. Trong đó, nền kinh tế của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu.

“Tuy nhiên, nhập khẩu sáu tháng đầu năm vừa giảm 18,2% so với cùng kỳ. Nhập khẩu giảm chứng tỏ sản xuất trong nước chưa được mở rộng, nguyên vật liệu để sản xuất chưa nhập khẩu nhiều. Chính vì vậy, tác động của việc FED tăng lãi suất lên nhập khẩu lúc này có thể chưa đáng kể. Nếu sản xuất được phục hồi mở rộng, hoạt động nhập khẩu nguyên vật liệu tăng thì tác động sẽ nhiều hơn”, ông Lâm nhận xét.

Nhiều quyết sách hỗ trợ

Việc FED tăng lãi suất được ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (NHNN) nhận định, áp lực tăng lãi suất vẫn còn rất lớn, thậm chí có thể sẽ không như thị trường dự báo rằng FED chỉ tăng lãi suất một lần nữa vào tháng 7 này và sau đó sẽ dừng đà tăng lãi suất.

Làm rõ thêm, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ nói: Mặc dù như các chuyên gia đề cập, chỉ số CPI của Mỹ có vẻ giảm nhưng từ góc độ người lập chính sách là các ngân hàng trung ương trên thế giới, trong đó có FED, thì điều người ta quan tâm rất nhiều không phải số này, mà thay vào đó là chỉ số lạm phát lõi.

Theo số liệu công bố gần nhất, lạm phát cơ bản của Mỹ trong tháng 6 là 4,8%. Tốc độ này vẫn cao hơn mục tiêu của FED là 2%.

Nhìn sang châu Âu lạm phát vẫn cao (6-7%), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn tiếp tục tăng lãi suất. Hay nói cách khác, chu kỳ tăng lãi suất chưa chấm dứt ngay như kỳ vọng.

Trong bối cảnh đó, NHNN đã giảm tới bốn lần lãi suất. Đó là quyết định táo bạo. Bởi lẽ, lạm phát Việt Nam giảm nhưng lạm phát cơ bản sáu tháng vẫn neo cao 4,74%, tốc độ giảm lạm phát cơ bản chậm. Điều đó cho thấy mức độ “dính” của lạm phát rất cao ở Việt Nam.

“Năm nay lạm phát bình quân có thể kiểm soát nhưng độ trễ của chính sách và câu chuyện lo lắng của lạm phát đối với nhà điều hành không chỉ dừng ở năm 2023 mà tiếp tục trong năm 2024”, ông Quang nói.

Khẳng định NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất nếu có điều kiện. Trường hợp NHNN chưa có điều kiện thì các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay trên cơ sở giảm chi phí, những khoản chi có thể để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Quang cho biết, NHNN có nhiều quyết sách hỗ trợ như: giảm lãi suất; giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại nợ; Thông tư 06 sửa đổi với loạt biện pháp giải pháp đưa ra để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng…, song trong bối cảnh cầu yếu, chất lượng doanh nghiệp giảm, bản thân nền kinh tế khó khăn,... vì vậy cung và cầu tín dụng khó gặp nhau.

“Để cung - cầu tín dụng gặp nhau thì phải nâng được chuẩn của người đi vay lên. Ngành ngân hàng chúng tôi không làm được. Có một biện pháp rất quan trọng có lẽ Chính phủ đang nghiên cứu là sửa văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, bảo lãnh khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó “đệm của đôi giày” của các doanh nghiệp nhỏ và vừa được nâng lên đủ điều kiện tiếp cận tín dụng.

Cùng với đó, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế khác có thể hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa khơi thông được thị trường, đặc biệt là khơi thông các thị trường xuất khẩu mới, từ đó các doanh nghiệp trong nước có thêm đơn hàng và có cơ hội tiếp tục vay vốn ngân hàng”, ông Quang nêu quan điểm.