Quy trình tiến hành kiểm phiếu và thành phần tham gia

NDO -

Ngày 23-5 tới đây, cử tri cả nước sẽ tự tay cầm lá phiếu để lựa chọn người đại biểu của mình tại Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Sau khi cử tri hoàn thành việc bỏ phiếu, quy trình kiểm phiếu được tiến hành như thế nào và những ai được chứng kiến việc kiểm phiếu?

Cử tri Nghệ An nhận phiếu bầu cử.
Cử tri Nghệ An nhận phiếu bầu cử.

Theo quy định tại Điều 73 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015, việc kiểm phiếu phải được tiến hành tại phòng bỏ phiếu ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc.

Người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm có quyền chứng kiến việc kiểm phiếu và khiếu nại về việc kiểm phiếu. Các phóng viên báo chí được chứng kiến việc kiểm phiếu.

Cụ thể, trình tự tiến hành việc kiểm phiếu được thực hiện như sau:

- Trước khi mở hòm phiếu, Tổ bầu cử phải kiểm kê (đếm), niêm phong phiếu bầu cử chưa sử dụng và phiếu bầu cử do cử tri gạch hỏng (nếu có), lập biên bản kiểm kê việc sử dụng phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (theo Mẫu số 35/HĐBC); toàn bộ phiếu bầu cử chưa sử dụng và phiếu bầu cử bị gạch hỏng được niêm phong và gửi kèm theo biên bản kiểm kê việc sử dụng phiếu bầu đến các Ban bầu cử tương ứng.

- Trước khi mở hòm phiếu, Tổ bầu cử mời hai cử tri là người biết chữ, có uy tín trong nhân dân tại địa bàn và không phải là những người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tại khu vực bỏ phiếu đó chứng kiến việc mở hòm phiếu. Người ứng cử hoặc người đại diện hợp pháp của người ứng cử và các phóng viên được chứng kiến việc kiểm phiếu của Tổ bầu cử, nhưng phải bảo đảm khoảng cách an toàn để Tổ bầu cử thực hiện nhiệm vụ kiểm phiếu.

- Tổ trưởng Tổ bầu cử mở hòm phiếu chính và hòm phiếu phụ (nếu có) để tiến hành việc kiểm phiếu.

- Tổ bầu cử thực hiện việc phân loại phiếu bầu theo màu phiếu bầu đại biểu Quốc hội, màu phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; màu phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; màu phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã; kiểm kê (đếm) tổng số phiếu trong hòm phiếu để xác định số phiếu thu vào và bàn giao các loại phiếu cho các nhóm đã được phân công của Tổ bầu cử để bắt đầu việc kiểm phiếu.

- Tổ bầu cử tiến hành kiểm tra tổng số phiếu thu vào so với tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu. Nếu tổng số phiếu thu vào bằng hoặc ít hơn số cử tri đã tham gia bỏ phiếu thì Tổ bầu cử mới được tiến hành kiểm phiếu. Trường hợp tổng số phiếu thu vào nhiều hơn tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu thì Tổ bầu cử phải kiểm tra lại; nếu kiểm tra lại vẫn cho kết quả tổng số phiếu thu vào nhiều hơn tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu thì lập tức niêm phong hòm phiếu và báo cáo ngay Ban bầu cử tương ứng để giải quyết. Trường hợp vượt quá thẩm quyền giải quyết của Ban bầu cử thì Ban bầu cử phải kịp thời báo cáo Ủy ban bầu cử tương ứng để xem xét, quyết định.

Quy trình tiến hành kiểm phiếu và thành phần tham gia -0
 Lực lượng vũ trang tại một số địa phương tiến hành bỏ phiếu sớm.

Việc bỏ phiếu được bắt đầu và kết thúc khi nào, và ai là người có quyền quyết định?

Theo Nghị quyết số 133/2020/QH14 ngày 17-11-2020 Quốc hội khóa XIV ban hành, Ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra vào Chủ nhật, ngày 23-5-2021.

Theo quy định tại Điều 72, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, trường hợp đặc biệt cần hoãn ngày bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu sớm hơn ngày quy định sẽ do Ủy ban bầu cử trình Hội đồng Bầu cử quốc gia xem xét, quyết định. Căn cứ đề nghị của Ủy ban bầu cử các địa phương, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã cho phép một số khu vực của một số tỉnh, thành phố được tiến hành bầu cử sớm trước Ngày bầu cử (đã được Quốc hội quyết định vào Chủ nhật ngày 23-5-2021).

Trong Ngày bầu cử đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định, công bố, việc bỏ phiếu sẽ được bắt đầu từ 7 giờ sáng và thực hiện liên tục cho đến 19 giờ cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5 giờ hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 21 giờ cùng ngày.

Trường hợp gần đến giờ kết thúc việc bỏ phiếu theo quy định mà vẫn còn cử tri chưa thực hiện xong việc bỏ phiếu thì Tổ bầu cử có trách nhiệm thông báo đến các cử tri còn ở trong khu vực phòng bỏ phiếu về việc chuẩn bị kết thúc thời gian bỏ phiếu, đồng thời, đề nghị cử tri khẩn trương hoàn thành việc bỏ phiếu. Tổ bầu cử thực hiện việc đóng hòm phiếu vào đúng thời gian đã quy định, không phụ thuộc vào việc cử tri đã bỏ phiếu hết hay chưa.

Việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục. Trong trường hợp có sự kiện bất ngờ làm gián đoạn việc bỏ phiếu thì Tổ bầu cử phải lập tức niêm phong hòm phiếu, tài liệu liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử, kịp thời báo cáo cho Ban bầu cử, đồng thời phải có những biện pháp cần thiết để việc bỏ phiếu được tiếp tục.

Trường hợp chưa hết thời gian bỏ phiếu theo quy định mà đã có 100% người trong danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu đã tham gia bỏ phiếu thì Tổ bầu cử cũng không được tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu và tiến hành kiểm phiếu trước thời điểm 19 giờ cùng ngày. Do đó, về nguyên tắc, các Tổ bầu cử, thành viên các Tổ bầu cử có thể vận động, tuyên truyền để cử tri tích cực tham gia bỏ phiếu, thực hiện quyền bầu cử của mình nhưng không được thúc giục, ép buộc cử tri phải đi bỏ phiếu sớm để kết thúc sớm việc bỏ phiếu.

Các địa phương được tiến hành bầu cử sớm (trước ngày 23-5-2021), gồm: thành phố Hải Phòng, thành phố Cần Thơ và các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định, Cà Mau, Đắk Lắk, Đắk Nông, Hậu Giang, Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Bình, Nghệ An...

Tiến tới Ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 (23-5-2021)