Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải đi trước một bước

Phát triển vùng Ðông Nam Bộ bảo đảm thống nhất với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội cả nước, phải là vùng phát triển năng động, giữ vai trò quan trọng trong liên kết và thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế khác; với mục tiêu này, tham vấn quy hoạch vùng Ðông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được bộ, ngành và Chính phủ quan tâm thực hiện, nếu thông qua sẽ là cơ sở cho các địa phương bắt tay hành động...
0:00 / 0:00
0:00
Một gói thầu Dự án vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đang thi công tại huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.
Một gói thầu Dự án vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đang thi công tại huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hạ tầng giao thông dẫn dắt hình thành vành đai công nghiệp

Sau hơn bốn tháng khởi công xây dựng, bốn gói thầu thực hiện đầu tiên của Dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh được chủ đầu tư đánh giá bảo đảm tiến độ được giao. Tại công trường thi công gói thầu XL 6, hạng mục cầu Cây Xanh, đường 162, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), công nhân đang tổ chức khoan cọc, đổ bê-tông dù đã chập tối.

Ban Quản lý dự án Ðầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh (Ban Giao thông) - chủ đầu tư cho biết: Trong tháng 12, các nhà thầu phấn đấu khởi công đồng loạt sáu gói thầu xây lắp chính còn lại; đồng thời, các đơn vị tiếp tục nỗ lực đến ngày 31/12 hoàn tất công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân thuộc Dự án đường vành đai 3 theo kế hoạch.

Trên công trường thi công Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Ðồng Nai), các nhà thầu đang tăng cường tối đa nhân sự để đẩy nhanh tiến độ thi công đồng loạt các hạng mục quan trọng như nhà ga, đường băng sân đỗ, hệ thống giao thông kết nối sân bay... để có thể hoàn thành công trình giai đoạn 1, có tổng vốn đầu tư 114.450 tỷ đồng vào năm 2025. Ðây là hai trong số những công trình trọng điểm quốc gia nhằm đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, kết nối vùng Ðông Nam Bộ, mở ra không gian phát triển và hình thành các động lực tăng trưởng mới; giải quyết các điểm nghẽn, mâu thuẫn, cản trở đối với phát triển bấy lâu nay của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu...

Theo Tham vấn quy hoạch vùng Ðông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030 do Bộ Kế hoạch và Ðầu tư lập, công tác quy hoạch cần quan tâm đến các động lực, không gian tăng trưởng mới của vùng, các hoạt động có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh. Trong đó, hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang vành đai 3, vành đai 4 và hoàn thành khép kín các đường vành đai 3, vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh. Phát triển các khu vực đô thị, công nghiệp, các trung tâm dịch vụ trên cơ sở khai thác không gian phát triển mới từ đường vành đai 3, vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, tạo thành chuỗi liên kết liên ngành, liên địa phương hiệu quả.

Thực hiện kéo giãn sự phát triển công nghiệp từ các địa bàn trọng điểm hiện hữu của tỉnh Bình Dương hướng lên phía bắc, của tỉnh Ðồng Nai hướng sang phía đông, mở ra không gian phát triển mới tại khu vực tây bắc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và thông qua các tuyến kết nối để thúc đẩy các khu vực xa hơn tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước... Cùng với đó, bố trí phát triển, liên kết các cơ sở công nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp tiếp cận, gắn với tuyến vành đai 4, Quốc lộ 51, tuyến cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu; Thúc đẩy phát triển theo hành lang Quốc lộ 13 kết nối Thành phố Hồ Chí Minh-Bình Dương-Bình Phước; xây dựng các tuyến cao tốc, đường sắt để tăng cường kết nối vùng, kết nối đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Chơn Thành-Hoa Lư, đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh-Lộc Ninh...

Cần cơ chế đặc biệt quốc gia cho vùng

Nắm bắt, tận dụng các cơ hội cũng như tạo các cơ chế, chính sách, giải pháp để hình thành các động lực tăng trưởng mới; đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp với năng lực, điều kiện thực tế của từng địa phương trong quy hoạch và quản lý phát triển vùng, là những đề xuất của các địa phương trong vùng Ðông Nam Bộ đối với Trung ương. Tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng Ðông Nam Bộ lần thứ hai với chủ đề "Quy hoạch vùng Ðông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" do Thủ tướng Chính phủ chủ trì mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nêu ý kiến: Trong vùng Ðông Nam Bộ, tứ giác Thành phố Hồ Chí Minh-Bình Dương-Ðồng Nai-Bà Rịa Vũng Tàu, cần đặt lại cho đúng vị thế năng động bậc nhất khu vực Ðông Nam Á. Ðó chính là động lực để lập quy hoạch, xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của vùng Ðông Nam Bộ.

Cũng theo ông Phan Văn Mãi, vùng kinh tế trọng điểm phía nam phải là vùng kinh tế trọng điểm số một, có năng lực hội nhập, cạnh tranh quốc tế mà quốc gia phải đầu tư vào, gọi là cơ chế đặc biệt quốc gia cho vùng. Thậm chí, giai đoạn từ nay đến năm 2030, phải đầu tư từ 30-50% nguồn lực quốc gia thì mới có được một đầu tàu phát triển bứt tốc trong thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đề nghị: Dự án đường vành đai 3 đã khởi công, vành đai 4 đang lập nghiên cứu tiền khả thi cho nên cần quy hoạch vành đai 5 kết nối Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên. Ngoài ra, cần quy hoạch các tuyến đường sắt có một ga liên vận hàng hóa hậu cần để kết nối với các tỉnh với Tây Ninh qua Campuchia, kết nối ra cảng biển Cần Giờ, Sân bay quốc tế Long Thành...

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá: Ðến nay, chúng ta đã có 107/111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã hoàn thành việc lập, thẩm định và phê duyệt, đạt 96,6%. Ðiều này cho thấy, việc triển khai lập, hoàn thiện quy hoạch vùng Ðông Nam Bộ trong thời điểm này có thuận lợi nhằm cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết phát triển vùng và quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành liên quan vùng. "Quy hoạch có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội; quy hoạch, kế hoạch phải đi trước một bước với tư duy, tầm nhìn chiến lược. Ðồng thời, quy hoạch phải bắt kịp xu thế của thế giới, các ngành mới nổi như công nghệ số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh nhưng phải phù hợp điều kiện, hoàn cảnh đất nước ta, phù hợp khu vực Ðông Nam Bộ, phù hợp truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng của vùng Ðông Nam Bộ; khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, lợi thế con người, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài, nguồn lực đầu tư trong xã hội", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.