Quy hoạch và phát triển bền vững đô thị

NDO - Ngày 7/3 tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Bộ Xây dựng và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo: Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững nhằm triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi hội thảo.
Quang cảnh buổi hội thảo.

Các đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Xây dựng; Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam; Đại sứ nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam chủ trì hội thảo. Tham dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương, địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước…

Đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi hội thảo cấp quốc gia về chủ đề tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của các đô thị Việt Nam trước tác động của biến đổi khí hậu với ba nhóm chủ đề chính là: Quy hoạch và Phát triển đô thị; Xây dựng đô thị có khả năng chống chịu; Công cụ hỗ trợ công tác quy hoạch và quản lý đô thị tích hợp, bền vững và có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự cùng trao đổi, thảo luận xoay quanh những vấn đề đặt ra trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị bền vững và có khả năng chống chịu trên thế giới và tại Việt Nam như: những khác biệt trong xu hướng phát triển đô thị bền vững tại các quốc gia phát triển và đang phát triển. Các bài học và kinh nghiệm phát triển đô thị bền vững, có khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu của quốc tế. Từ đó, các nhà khoa học, diễn giả đề xuất nhiều giải pháp về phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam trong thời gian tới.

Theo các đại biểu, chúng ta cần đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị; bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm. Thực hiện đổi mới toàn diện về phương pháp, quy trình, nội dung và sản phẩm quy hoạch.

Cụ thể, quy hoạch đô thị phải có cách tiếp cận đa ngành, bao trùm với tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững; bảo đảm tính tầng bậc, liên tục, thống nhất, đầy đủ, tích hợp của hệ thống quy hoạch; gắn kết chặt chẽ với quy hoạch nông thôn.

Từ các bài học thực tiễn, nhiều đại biểu bổ sung công tác quy hoạch đô thị cần phân định rõ các vùng trong nội dung quy hoạch và áp dụng các công cụ kiểm soát phát triển theo quy hoạch và kế hoạch; gắn quy hoạch đô thị với nguồn lực thực hiện. Cùng đó, cần chú trọng quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, khu công cộng, quy hoạch quản lý sử dụng không gian nối, không gian ngầm và hệ thống công trình ngầm đô thị.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh, Việt Nam thuộc tốp 10 nước hứng chịu nhiều thiên tai, biến đổi khí hậu trên thế giới (bão, lũ lụt và nước biển dâng).

Để ứng phó với những thách thức này, Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị đã xác định phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp với từng vùng, miền, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền; phát triển các đô thị có chức năng tổng hợp với quy mô và dân số ở mức hợp lý theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh; bảo đảm tính kết nối cao giữa các đô thị; tập trung xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, chương trình quốc gia về phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu.

Những ý kiến, tham luận tại hội thảo hôm nay sẽ góp phần vào việc thúc đẩy phát triển đô thị bền vững nói riêng, cũng như quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước trong giai đoạn tới một cách hiệu quả và bền vững.