Quy hoạch đô thị du lịch: Kinh nghiệm từ Singapore

NDO -

Đại dịch Covid-19 sẽ khiến du khách nội địa trở thành nguồn thu chính của ngành du lịch. Bài toán đặt ra cho ngành du lịch và các điểm đến là làm sao có thể làm mới các điểm đến vốn đã quá thân thuộc với đối tượng khách hàng này. Xây dựng đô thị du lịch để hút khách từ kinh nghiệm của Singapore là câu chuyện được nhiều chuyên gia chỉ ra cho Việt Nam tại một hội thảo diễn ra mới đây tại Hà Nội. 

Một góc đô thị Singapore. (Ảnh: REUTERS)
Một góc đô thị Singapore. (Ảnh: REUTERS)

Tại hội thảo Bất động sản du lịch ngày 16/11, chia sẻ từ Singapore, ông Christopher Khoo, Giám đốc điều hành Master Consult Services, Tổng cục Du lịch Singapore cho hay, một điểm đến du lịch thành công cần phải có 2 yếu tố: Thứ nhất, không trộn lẫn, cần điểm nổi bật; Thứ 2, có sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh.

Ông Khoo thông tin, Singapore - đảo quốc chỉ có diện tích hơn 728km2 với hơn 5 triệu dân, nhưng trước khi đại dịch ập tới, năm 2019, quốc gia này đã hút 19,1 triệu lượt khách và thu được khoản chi từ du khách lên tới 27,7 tỷ đô la Singapore.

Theo ông Khoo, có được điều này là bởi "Singapore không chỉ quan tâm đến số lượng du khách mà còn quan tâm tới giá trị du khách mang lại cho nền kinh tế". Do đó, phát triển du lịch cần quan tâm tới các nhóm ngành phụ trợ phát triển, làm cho nền kinh tế và đất nước phát triển.

Quỹ đất hạn hẹp nên quốc gia này đã luôn coi trọng từng m2 để phân bổ như đất ở, đất công nghiệp, công viên, khu dự trữ quốc gia, giải trí, hồ chứa, sân bay... và đặc biệt là đất cho quy hoạch du lịch như thế nào.

Liên quan đến ngành du lịch, lĩnh vực này được nhiều bộ ngành và các cơ quan, tổ chức khác nhau tại Singapore quan tâm, mỗi quy hoạch đều được phân vùng rõ ràng. “Tất nhiên, trong những trường hợp phát sinh vẫn đòi hỏi phải có ngoại lệ, song nhìn chung đều được phân định rõ ngay từ đầu”, ông Khoo nói.

Quy hoạch đô thị du lịch: Kinh nghiệm từ Singapore -0
Bản đồ quy hoạch một góc đô thị du lịch Singapore. (Ảnh: Straitstimes) 

Cũng dẫn chứng câu chuyện quy hoạch đô thị du lịch của Singapore, ông Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng Giám đốc enCity, một người sống và làm việc tại Singapore lâu năm nói: Singapore là một thí dụ điển hình về việc sử dụng công cụ quy hoạch sử dụng đất trong việc hỗ trợ ngành du lịch phát triển.

Kéo dài suốt từ cuối thập niên 60 tới đầu thập niên 80, đất nước này đối mặt với việc thiếu hụt khách sạn và các công trình hạ tầng du lịch do quỹ đất thích hợp về cả quy mô và vị trí để xây dựng khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế rất hạn hẹp.

Tuy nhiên, Cơ quan quy hoạch Singapore - URA đã đưa ra một danh mục phân vùng riêng cho khách sạn (tạm gọi là đất khách sạn) trong bản Quy hoạch tổng thể (Master Plan) năm 1985. URA bố trí quỹ đất của chính phủ đủ lớn cho việc xây dựng khách sạn, đặt tại những vị trí trọng điểm du lịch như dọc theo sông Singapore, phố mua sắm Orchard, đảo Sentosa, khu Trung tâm thể thao (Sport Hub) hay trong khu vực trung tâm thương mại của thành phố.

Các quỹ đất này được chính phủ bán cho tư nhân thông qua đấu thầu để xây dựng khách sạn, nhằm bảo đảm nguồn cung cho nhu cầu thị trường du lịch mà không bị cạnh tranh bởi các nhu cầu bất động sản khác.

10 năm sau khi giới thiệu sử dụng đất khách sạn, URA lại giới thiệu một loại hình sử dụng đất mới có tính linh hoạt cao cho bất động sản thương mại: Đất Trắng (White site), trong đó cho phép một loạt các chức năng sử dụng đất khác nhau cho nhà đầu tư lựa chọn.

27 Đất Trắng thường được áp dụng ở những vị trí cực kỳ đắc địa có giá trị cao hoặc trong các khu chức năng đặc thù như khu công nghệ cao hay đảo du lịch Sentosa, nhằm giảm rủi ro và cho phép sự sáng tạo của thị trường. Đất Trắng được áp dụng trong ngành du lịch nhằm phát triển một mô hình mới: Điểm đến tích hợp (Integrated resorts).

Hai điểm đến tích hợp nổi tiếng nhất ở Singapore hiện nay chính là tổ hợp khách sạn - casino - hội nghị và trung tâm thương mại Marina Bay Sands ở trung tâm thành phố và tổ hợp trung tâm vui chơi giải trí và casino Resorts World Sentosa trên đảo Sentosa.

Trong đô thị du lịch, năng lực kết nối giao thông là một lợi thế. Theo ông Dũng, tất cả các điểm đến du lịch lớn trên toàn thế giới đều có cơ sở hạ tầng giao thông vững chắc, kết nối các nơi này với phần còn lại của thế giới.

“Chúng ta không nên xem xét yếu tố này một cách riêng lẻ nhưng chắc chắn đây là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất để duy trì phát triển cho ngành du lịch”, ông Dũng nói.

Tại Singapore, các khu thương mại trung tâm (CBD), One Raffles Quay, Asia Square Towers, Marina Bay, các khu văn hóa… được kết nối liền mạch thông qua một mạng lưới liên kết giao thông toàn diện trên cao và dưới lòng đất thuận tiện.