Quy định rõ vai trò, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

NDO - Góp ý kiến vào dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần xác định rõ đây là lực lượng hỗ trợ cho công an xã để quy định rõ ràng, phù hợp chức năng, nhiệm vụ và chính sách cho lực lượng này nhằm bảo đảm phát huy hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) góp ý kiến vào dự thảo Luật trong phiên thảo luận ở hội trường sáng 24/6. (Ảnh: DUY LINH)
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) góp ý kiến vào dự thảo Luật trong phiên thảo luận ở hội trường sáng 24/6. (Ảnh: DUY LINH)

Sáng 24/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết ban hành luật nhằm xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở do Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, các lực lượng chức năng, trong đó Công an nhân dân làm nòng cốt thực hiện.

Bố trí lực lượng theo dân số và tình hình an ninh trên địa bàn

Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) cho biết, dự thảo luật quy định, căn cứ số lượng tổ bảo vệ an ninh, trật tự được thành lập và tổng số lượng các chức danh tổ bảo vệ an ninh, trật tự đã được HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định, UBND cấp xã theo đề nghị của Công an cấp xã quyết định về số lượng người tối thiểu để thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và số lượng tối đa thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự.

Theo đại biểu, quy định này còn bất cập, vì chưa có nguyên tắc, tiêu chí làm căn cứ xác định số lượng tổ bảo vệ an ninh trật tự ở thôn, tổ dân phố, số tổ viên tham gia; quy trình thủ tục hành chính quyết định số lượng người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự tại cấp thôn, xã còn rườm rà, mất nhiều thời gian thực hiện.

Đại biểu đề xuất bổ sung một khoản quy định cụ thể, hoặc giao cấp có thẩm quyền quy định về nguyên tắc, tiêu chí xác định số tổ bảo vệ an ninh trật tự, số lượng tối đa tổ viên tham gia tổ bảo vệ an ninh, trên cơ sở số hộ dân trên địa bàn thôn, tổ dân phố và tính chất phức tạp về an ninh, trật tự ở cơ sở.

Quy định rõ vai trò, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ảnh 1

Đại biểu Đỗ Thị Lan tham gia ý kiến thảo luận. (Ảnh: DUY LINH)

Đồng thời, đại biểu kiến nghị giao HĐND tỉnh quy định khung tối đa số lượng tổ, số tổ viên tham gia cùng một số chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Có chung quan điểm, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng đề nghị nên phân bố lực lượng tham gia bảo vệ trật tự, an ninh ở cơ sở theo địa giới hành chính, quy mô dân số, đặc biệt quan tâm đến địa hình và những vị trí trọng yếu cần sự phối hợp chặt chẽ, vận dụng linh hoạt các điều kiện, trong đó có nguyên tắc “trong phối hợp với ngoài, chính quy với nhân dân”.

Bảo đảm điều kiện hoạt động, chế độ chính sách để lực lượng phát huy hiệu quả

Tham gia ý kiến về việc bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, các đại biểu cho biết, dự thảo luật quy định rất nhiều chính sách và điều kiện hoạt động cho lực lượng này, tuy nhiên, cần rà soát đánh giá đảm bảo sự hài hòa với các lực lượng quần chúng khác ở cơ sở.

Nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện các quy định như trong dự thảo luật cần có nguồn lực ngân sách tương đối lớn, do vậy cần thiết kế cơ chế tài chính cụ thể hơn để bảo đảm tính khả thi khi luật có hiệu lực.

Đóng góp ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Công Hoàng (đoàn Thái Nguyên) nêu rõ, hiện nay, lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đang được hưởng chế độ trợ cấp từ ngân sách do HĐND cấp tỉnh quy định theo vị trí mà họ đảm nhận.

Nhấn mạnh việc bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở là nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, đại biểu Hoàng cho rằng, tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở là vấn đề cốt lõi, căn nguyên cho việc ổn định xã hội để phát triển kinh tế, chăm lo đời sống cho nhân dân, tiến tới bảo đảm toàn diện vấn đề an ninh con người.

Quy định rõ vai trò, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ảnh 2

Đại biểu Nguyễn Công Hoàng (đoàn Thái Nguyên) phát biểu ý kiến ở hội trường. (Ảnh: DUY LINH)

Đại biểu đề nghị Chính phủ xây dựng Đề án tổng thể về việc trang bị cơ sở vật chất phục vụ hoạt động cho lực lượng công an xã chính quy, Ban chỉ huy quân sự xã và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, từng bước bố trí trụ sở làm việc, bảo đảm cơ sở vật chất khác để lực lượng này hoạt động hiệu quả chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Theo đại biểu Quàng Thị Nguyệt (đoàn Điện Biên), quy định về chế độ chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là hợp lý, tuy nhiên cần bảo đảm những quy định này được thực thi hiệu quả trong thực tiễn.

Đại biểu đề nghị cần tính toán và quy định kỹ về nguồn kinh phí thực hiện các chế độ chính sách này đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở, đồng thời đề nghị cần có nội dung về việc cân đối ngân sách trung ương để hỗ trợ cho các địa phương, đặc biệt là các vùng điều kiện kinh tế khó khăn ở biên giới miền núi.

Cùng quan điểm, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị Chính phủ cần quan tâm đến ngân sách chi cho lực lượng này sau khi thành lập, nhất là ở các địa phương mà ngân sách trung ương phải hỗ trợ.

Đại biểu cũng cho rằng, cần xác định rõ đây là lực lượng hỗ trợ cho công an xã, để từ đó quy định rõ ràng, phù hợp về chức năng, nhiệm vụ, tài chính, ngân sách cho lực lượng này. Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu và có quy định phù hợp về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

Theo đại biểu, việc đưa phần lớn nhiệm vụ của công an xã trong pháp luật về công an xã trước đây thành nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là chưa phù hợp, vì đây chỉ là lực lượng hỗ trợ trong bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, không phải là một lực lượng được tổ chức chính quy. Cụ thể, đại biểu cho rằng cần rà soát quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 12 cho phù hợp, phân định rõ nhiệm vụ ở cơ sở để không quy định những nhiệm vụ quá phức tạp, vượt quá khả năng của lực lượng này.