Quốc tế hóa giáo dục đại học và kết nối các trường đại học Á-Âu

NDO - Một trong những điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong nước là hướng đến các lĩnh vực hợp tác trong đào tạo, chuyển giao nguồn nhân lực đại học với các nền giáo dục đại học tiên tiến trên thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham dự hội thảo Quốc tế hóa giáo dục đại học và kết nối các trường đại học Á-Âu
Các đại biểu tham dự hội thảo Quốc tế hóa giáo dục đại học và kết nối các trường đại học Á-Âu

Sáng nay, 3/11, tại Đà Nẵng diễn ra phiên khai mạc Hội thảo quốc tế với chủ đề quốc tế hóa giáo dục đại học và kết nối các trường đại học Á-Âu. Đây là hoạt động trọng tâm trong khuôn khổ Dự án quốc tế trực tuyến không biên giới (Dự án HARMONY) do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ. Sự kiện do Đại học Đà Nẵng đăng cai tổ chức nhằm kết nối, hỗ trợ nâng cao năng lực tiếp cận và quốc tế hóa trong lĩnh vực giáo dục đại học cho các các trường đại học Á-Âu tại các quốc gia thành viên của Dự án HARMONY.

Phát biểu tại hội thảo, PGS, TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng nhấn mạnh, là thành viên nòng cốt của Dự án HARMONY cũng như các dự án trong khuôn khổ Chương trình ERAMUS+ được EU tài trợ, Đại học Đà Nẵng luôn đóng góp, thể hiện vai trò tích cực góp phần hoàn thiện chiến lược, chính sách phát triển; nâng cao năng lực, tiềm lực, tạo cơ hội cho đội ngũ cán bộ quản lý, các nhà khoa học, giảng viên và sinh viên, qua đó cùng mạng lưới các thành viên của Dự án chung tay thúc đẩy tiến trình quốc tế hóa, kết nối, hội nhập giáo dục đại học Á-Âu.

Quốc tế hóa giáo dục đại học và kết nối các trường đại học Á-Âu ảnh 1

Nhiều chia sẻ thiết thực được trao đổi tại Hội thảo.

Dự án HARMONY nhằm góp phần nâng cao năng lực hội nhập, thúc đẩy quốc tế hóa giáo dục đại học và hợp tác giao lưu trên các lĩnh vực liên quan đến giáo dục và đào tạo; phát triển mạng lưới thành viên, qua đó đóng góp hiện thực hóa các mục tiêu Chương trình Erasmus của EU kết nối các quốc gia châu Á với Châu Âu.

Dự án gồm có Đại học Đà Nẵng và 10 thành viên khác: Đại học Zaragoza (UNIZAR, Tây Ban Nha); Đại học Quản lý Varna (VUM, Bulgaria); Đại học Mykolas Romeris (MRU, Lithuania); Viện Nghiên cứu và Phát triển Chính sách châu Âu (EPDRI, Slovenia); Đại học Quốc tế Daffodil (DIU, Bangladesh), Đại học Khoa học khai phóng (ULAB, Bangladesh); Đại học Nghiên cứu Quản lý Narsee Monjee (NMIMS, Ấn Độ); Đại học Hyderabad (UoH, Ấn Độ); Học viện Công nghệ Vellore (VIT) và Trường Đại học Quảng Bình (QBU, Việt Nam).

Trong 2 ngày diễn ra hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận nhiều nội dung quan trọng liên quan đến quốc tế hóa giáo dục như Quốc tế hóa giáo dục đại học, kinh nghiệm từ Đại học Đà Nẵng (Việt Nam) và Đại học Zaragora (Tây Ban Nha); Kinh nghiệm thực tiễn của Đại học Mykolas Romeris (Lithuania); Quốc tế hoá từ thực tiễn các trường Đại học Ấn Độ; Công tác quản lý hợp tác quốc tế tại Đại học Đà Nẵng; Giao lưu sinh viên quốc tế (Friends Teahouse) và Cuộc thi Sáng tạo Video ngắn (Digital Storytelling) dành cho sinh viên (Đại học Quản lý Varna, Bulgaria)...

Quốc tế hóa giáo dục đại học và kết nối các trường đại học Á-Âu ảnh 2

Đại học Đà Nẵng ký kết hợp tác với các trường thành viên trong dự án HARMONY.

Quốc tế hóa giáo dục trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của cả hệ thống được xem là chìa khóa đưa giáo dục Việt Nam nhanh tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, thu hẹp khoảng cách chất lượng nhân lực, góp phần nâng cao chất lượng và trải nghiệm học tập toàn cầu, mang lại tiềm năng nghề nghiệp cho sinh viên.

Trong khuôn khổ hội thảo, Ban tổ chức phát động triển khai các hoạt động cho sinh viên như Cuộc thi làm video ngắn (Digital Storytelling) dành cho sinh viên của Đại học Đà Nẵng; Đại học Đà Nẵng cũng ký kết các Biên bản ghi nhớ hợp tác với các đại học cùng tham gia trong Dự án HARMONY.

Hội thảo diễn ra đến hết ngày 4/11.