Quốc Oai nỗ lực ứng phó mưa lũ

Là địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng mưa lũ, nhất là vừa hứng chịu ảnh hưởng bão số 3 kết hợp lũ rừng ngang gây ngập sâu, kéo dài, huyện Quốc Oai đang nỗ lực triển khai các giải pháp ứng phó mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
0:00 / 0:00
0:00

Xóm Bến Vôi, thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, nằm ở ngoài đê, thuộc khu vực bãi sông Tích, có địa hình trũng thấp cho nên thường xuyên chịu ảnh hưởng khi lũ dâng. Người dân nơi đây đã quen sống chung với lũ, có khi cả xóm còn bị cô lập bởi bốn bề mênh mông nước.

Tuy nhiên, đây là lần thứ hai trong năm nay, lũ lớn tràn về khiến nhiều người bất ngờ. Ông Nguyễn Văn Vậy, người sinh ra và lớn lên tại xóm Bến Vôi cho biết, mặc dù bị nước lũ cô lập bốn phía, nhưng cuộc sống của người dân vẫn diễn ra bình thường. Ðiện sinh hoạt, nước sạch đầy đủ. Các nhu yếu phẩm không thiếu. Tuy nhiên, trận lũ lần này về rất nhanh. Chỉ sau một đêm nước đã dâng cao bốn phía và mực nước lần này cao hơn trận lũ cuối tháng 7/2024. Người dân đi lại rất khó khăn.

Vì sinh sống gần sông Tích, quen với cảnh ngập lụt cho nên nhiều gia đình trong xóm đã trang bị thuyền để di chuyển khi có nước lớn. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân, ngay từ chiều 10/9, lực lượng quân đội đã bố trí phương tiện xuồng máy, áo phao để đưa đón người dân ra vào xóm thuận lợi.

Ðến tối 10/9, Trung tâm Y tế huyện đã nhanh chóng thiết lập Trạm Y tế lưu động tại Nhà văn hóa xóm Bến Vôi. Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hoàng Minh Tưởng cho biết, Trạm Y tế lưu động có chức năng triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng; quản lý, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn xóm Bến Vôi theo quy định hiện hành. Trạm Y tế lưu động được trang bị đầy đủ thiết bị y tế phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu; nhân lực bao gồm bác sĩ, y sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng và cán bộ phụ trách dược. Trạm Y tế tổ chức trực cấp cứu 24 giờ mỗi ngày; sẵn sàng cấp cứu ban đầu cho nạn nhân.

Cùng với xóm Bến Vôi, xóm Phú Cao, thuộc địa bàn thôn 2, xã Phú Cát cũng là địa bàn chịu ảnh hưởng lớn từ mưa lũ. Toàn bộ 31 hộ dân với 113 nhân khẩu trong xóm đã sớm bị nước lũ cô lập và nhiều ngôi nhà chìm trong biển nước.

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đến sáng 11/9, mực nước sông Tích tại Trạm Vĩnh Phúc, xã Liệp Tuyết đạt 8,54m, trên mức báo động 3 là 54cm và dự báo còn tiếp tục lên. Nước lũ sông Tích dâng cao tràn một số khu vực đê và bờ bao tại các xã Tuyết Nghĩa, Ðông Yên, Ngọc Mỹ, Phú Cát, Hòa Thạch…, gây ngập lụt 555 hộ dân sáu xã, với gần 2.500 nhân khẩu.

Ðứng trước tình huống khẩn cấp, lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện đã thông báo hỏa tốc yêu cầu các xã khẩn trương rà soát, vận động người dân thuộc các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của lũ di dời đến nơi an toàn theo quy định.

Ðại diện Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện cho biết, ngay trong chiều 11/9, toàn bộ người dân xóm Bến Vôi, xã Cấn Hữu, xóm Phú Cao, xã Phú Cát đã được vận động di dời đến nơi tránh trú an toàn. Lực lượng chức năng đã tập trung hỗ trợ người dân di dời an toàn; đồng thời bố trí các nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ người dân tại nơi tránh trú. Trước đó, xã Tuyết Nghĩa đã di dời gần 200 nhân khẩu đến nơi tránh trú an toàn. Các địa phương khác đang triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng thấp, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, nhất là các xã Ðông Xuân, Phú Mãn, Ðông Yên, Phú Cát, Ðồng Quang, Cộng Hòa nơi có các sườn đồi tập trung đông dân cư, để vận động những người dân di dời đến nơi an toàn, trường hợp người dân cố tình không hợp tác sẽ tiến hành cưỡng chế di dời.