Quốc hội Việt Nam chủ động, tích cực chung tay ứng phó thách thức toàn cầu

NDO -

Nhận lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Duarte Pacheco, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Áo Wolfgang Sobotka, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta sẽ lên đường tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5, diễn ra trong hai ngày 6 và 7/9 tại Thủ đô Vienne (CH Áo).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. (Ảnh: Duy Linh)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. (Ảnh: Duy Linh)

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một trong các lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước ta sang châu Âu sau hai năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19, được lãnh đạo Quốc hội nhận định sẽ là “dấu ấn mở đầu”, “làm sống động trở lại” các hoạt động ngoại giao trực tiếp của Quốc hội Việt Nam.

Điều này tiếp nối và phát huy mạnh mẽ vai trò chủ động, trách nhiệm, hành động tích cực, đóng góp thiết thực, hiệu quả của Quốc hội nước ta tại các cơ chế hợp tác nghị viện đa phương và song phương.

Vai trò chủ động, trách nhiệm

Tầm mức quan trọng của Hội nghị và chủ đề “Sự lãnh đạo của Nghị viện vì chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, mang lại hòa bình và phát triển bền vững cho người dân và trái đất” thu hút sự quan tâm tham dự của nhiều lãnh đạo các quốc gia trên thế giới, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, khu vực.

Ông Vũ Hải Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, thành viên tham gia Đoàn, cho biết: Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đến nay, có 114 Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện, 30 Phó Chủ tịch Quốc hội đến từ 104 Nghị viện thành viên IPU, 7 thành viên liên kết và 10 quan sát viên khẳng định tham dự hội nghị, có nhiều nước có vai trò quan trọng trong khu vực và diễn đàn quốc tế như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesa, Anh, Italia, Canada...

Trong thời gian qua, cùng với nhiều nước, bên cạnh hình thức trực tuyến, nhiều hoạt động đối ngoại đã bắt đầu được triển khai, khẳng định sự chủ động, tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong các quan hệ song phương và đa phương.

Chuyến công tác tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ năm (WCSP5) này tại CH Áo của Chủ tịch Quốc hội nước ta khẳng định cam kết chủ động, tích cực tham gia có trách nhiệm các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương, tích cực và tham gia có trách nhiệm của hoạt động ngoại giao nghị viện của Việt Nam.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam và Quốc hội nước ta tại các cơ chế hợp tác nghị viện khu vực và thế giới, qua đó góp phần thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao chung của Đảng, Nhà nước vì lợi ích quốc gia, dân tộc; khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam trên bình diện đa phương và song phương.

Ứng phó và phục hồi toàn cầu sau Covid-19

Quốc hội Việt Nam chủ động, tích cực chung tay ứng phó thách thức toàn cầu -0
 Quang cảnh Hội nghị trực tuyến Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 năm 2020 tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Duy Linh)

Trao đổi với phóng viên về sự tham gia của Đoàn Việt Nam, ông Vũ Hải Hà cho biết: Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ tham gia các phiên thảo luận toàn thể và thảo luận chuyên đề về phát triển bền vững, tăng cường vai trò của chủ nghĩa đa phương trong hợp tác chống Covid-19 và phục hồi sau đại dịch, chuyển đổi nền kinh tế, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường và nhiều chủ đề quan trọng khác.

Trong khuôn khổ Hội nghị WCSP5, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho biết: Chủ tịch Quốc hội Việt Nam có các hoạt động tiếp xúc song phương với lãnh đạo IPU, một số Chủ tịch Nghị viện các nước tham dự Hội nghị; Chủ tịch Hội đồng quốc gia Áo, đại diện các tổ chức quốc tế, gặp gỡ các doanh nghiệp Áo đang có dự án hợp tác hoặc có tiềm năng hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực năng lượng, vật liệu xây dựng, viễn thông, công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, các thành viên chính chức trong đoàn cấp cao của Quốc hội là Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội và các Bộ trưởng thực hiện các cuộc gặp với các đối tác để cùng trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương, ủng hộ việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVIPA)...

Các nhà quan sát cho rằng, Hội nghị lần này có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển của ngoại giao nghị viện, củng cố vai trò của IPU, làm sống động, nâng tầm ngoại giao đa phương sau một thời gian dài gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19 cũng như xu hướng trỗi dậy của chủ nghĩa đơn phương trong quan hệ quốc tế.

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 phiên họp trực tiếp lần này là điểm nhấn, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của Quốc hội Áo, sự phát triển của ngoại giao nghị viện đa phương trong đó IPU giữ vai trò tiên phong và sự đồng lòng, đoàn kết của các nghị viện thành viên.

Để Hội nghị hiệu quả, thiết thực và sống động, các Chủ tịch Quốc hội sẽ phát biểu trực tiếp tại các phiên thảo luận toàn thể về những chủ đề về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, giảm thiểu tác động của Covid-19 và vai trò của chủ nghĩa đa phương. Hội nghị sẽ thông qua bản Tuyên bố về chủ đề chính của Hội nghị.

Các phiên thảo luận chính diễn ra trong hai ngày tại Hội hội nghị WCSP5  sẽ xoay quanh chủ đề “Ứng phó với đại dịch Covid-19 và thách thức đối với cơ chế hợp tác đa phương trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân”, “Giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19”, “Chống lại thông tin sai lệch và ngôn ngữ kích động thù hận trong và ngoài mạng internet cần có các quy định mạnh mẽ hơn”, “Phục hồi sau đại dịch: Chuyển đổi nền kinh tế để chống lại biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững”...

Là thành viên tích cực của Liên minh Nghị viện thế giới, Quốc hội Việt Nam thường xuyên cử Đoàn cấp cao do Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tham dự các kỳ Hội nghị kể từ năm 2000 tới nay.

Các hoạt động đối ngoại quan trọng của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ diễn ra trong bối cảnh nước ta đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị lớn như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tổ chức thành công Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước.

Về kinh tế, Việt Nam tiếp tục đạt được những thành công trong thực hiện mục tiêu kép, vừa kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 vừa duy trì phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Về đối ngoại, Việt Nam tiếp tục củng cố, đưa các mối quan hệ vào chiều sâu, tham gia tích cực và hiệu quả tại các cơ chế đa phương trên các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Nghị viện và đối thoại nhân dân.