Quốc hội Thụy Sĩ tranh cãi về thương vụ giải cứu Credit Suisse

Quốc hội Thụy Sĩ đã có phiên tranh luận gay gắt về vụ sụp đổ của Credit Suisse cũng như sự thất bại của các quy định nhằm ngăn chặn một ngân hàng lớn như vậy rơi vào bất ổn.
0:00 / 0:00
0:00
Chi nhánh ngân hàng Credit Suisse ở Lucerne, Thụy Sĩ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Chi nhánh ngân hàng Credit Suisse ở Lucerne, Thụy Sĩ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tại phiên họp bất thường này, Tổng thống Thụy Sĩ Alain Berset đã bảo vệ thương vụ sáp nhập giữa UBS và Credit Suisse; khẳng định vụ phá sản của ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ sẽ tạo ra một thảm họa tài chính cũng như danh tiếng của đất nước.

Các nghị sĩ đã chỉ trích việc chính phủ Tổng thống Berset đã nhanh chóng đạt được thỏa thuận hôm 19/3 ở hậu trường, bỏ qua vai trò của Quốc hội. Mặc dù vậy, bất chấp những chỉ trích, Thượng viện Thụy Sĩ vẫn bỏ phiếu phê duyệt hồi tố khoản bảo lãnh tài chính trị giá 109 tỷ francs Thụy Sĩ (120,5 tỷ USD) của chính phủ, với 29/46 thành viên Hội đồng nhà nước (Thượng viện) đồng ý thông qua.

Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter trước đó khẳng định, nền kinh tế Thụy Sĩ có thể sẽ sụp đổ nếu ngân hàng Credit Suisse phá sản và thương vụ sáp nhập với ngân hàng UBS đã giúp ngăn chặn kịch bản nguy hiểm đó.

Bộ trưởng Keller-Sutter nhấn mạnh, Chính phủ Thụy Sĩ đã làm hết sức có thể để giảm thiểu tối đa tác động từ vụ sụp đổ của Credit Suisse đến nền kinh tế cũng như với người dân. Ngay khi nhận thấy khả năng phá sản của ngân hàng này, chính phủ đã điều phối thương vụ sáp nhập với UBS ngay trong cuối tuần trước khi thị trường mở lại.

Trước đó, một nhóm các nhà đầu tư Mỹ cáo buộc ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ phạm tội gian lận chứng khoán bằng cách cung cấp thông tin sai sự thật về hoạt động kinh doanh, hoạt động và triển vọng của ngân hàng. Công ty luật Kessler Topaz Meltzer & Check có trụ sở tại Mỹ đã đệ đơn kiện ngân hàng Credit Suisse lên Tòa án New Jersey (Mỹ) vì tội gây hiểu lầm, gây thiệt hại đáng kể cho các nhà đầu tư.