Cuộc khủng hoảng mang tên Credit Suisse

Từng quản lý lượng tài sản trị giá tới 1.400 tỷ USD, ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ có thời điểm được xếp vào nhóm 30 tổ chức tài chính quan trọng nhất trong hệ thống toàn cầu. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng niềm tin đẩy Credit Suisse vào nguy cơ đổ vỡ và bị ngân hàng lớn nhất đất nước là UBS tiếp quản.
0:00 / 0:00
0:00
Credit Suisse sụp đổ do bị ảnh hưởng bởi cú sốc từ ngành ngân hàng Mỹ. Ảnh: BLOOMBERG
Credit Suisse sụp đổ do bị ảnh hưởng bởi cú sốc từ ngành ngân hàng Mỹ. Ảnh: BLOOMBERG

Đòn giáng mạnh vào hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ

Được đánh giá là chặt chẽ và an toàn nhất thế giới, hệ thống dịch vụ tài chính-ngân hàng từ lâu đã đem đến sự ổn định và giàu có cho Thụy Sĩ. Cuộc khủng hoảng tại ngân hàng 167 năm tuổi Credit Suisse là đòn giáng mạnh vào đất nước nổi tiếng với 243 ngân hàng và 24 chi nhánh ngân hàng quốc tế.

Trong phiên giao dịch ngày 15/3, giá cổ phiếu của Credit Suisse lần đầu giảm xuống mức dưới 2 franc (hơn 2 USD) cho mỗi cổ phiếu. Giá trị cổ phiếu Credit Suisse giảm quá mạnh khiến cơ quan điều hành thị trường chứng khoán phải tạm dừng giao dịch mã cổ phiếu này. Tình trạng bán tháo xảy ra sau khi cổ đông lớn nhất của Credit Suisse là Ngân hàng Quốc gia Saudi Arabia tuyên bố trên Bloomberg Television rằng không thể đảm nhận nhiều hơn 10% số cổ phần, đồng nghĩa việc không thể rót thêm vốn cho ngân hàng Thụy Sĩ.

Carlo Franchini, trưởng nhóm phân tích khách hàng doanh nghiệp tại Banca Ifiges nói với Reuters rằng: Thị trường đang hỗn loạn. Những vấn đề phát sinh với các ngân hàng Mỹ giờ lan sang các ngân hàng châu Âu và đầu tiên trong số này là Credit Suisse. Naeem Aslam, trưởng nhóm phân tích đầu tư của Zaye Capital Markets cho rằng, lĩnh vực tài chính châu Âu bị lao đao trong ngày 15/3 do hệ lụy từ vụ phá sản Silicon Valley Bank (SVB) ở Mỹ. Nhà phân tích Chris Beauchamp từ IG nhận định, cuộc khủng hoảng ngân hàng mang tính cục bộ ở Mỹ bất ngờ được “sao chép” tại châu Âu.

Cơ quan Giám sát thị trường tài chính Thụy Sĩ (FINMA) nhận định, trước khi rơi vào cuộc khủng hoảng, Credit Suisse đã bị coi là mắt xích yếu trong chuỗi ngân hàng châu Âu khi ngân hàng này vướng vào một loạt vụ bê bối bắt đầu từ năm 2021, gây ra sự khó khăn về tài chính và giảm sút uy tín.

Trong khi đó, theo Bloomberg, Credit Suisse gặp khó khăn vì quá tự tin sau khi thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Khi hệ thống tài chính sụp đổ năm 2008, Credit Suisse lại nổi lên nhờ tình trạng sức khỏe tài chính tốt hơn so nhiều đối thủ. Không như các ngân hàng khác, khi đó Credit Suisse không cần gói cứu trợ nào. Tuy nhiên sau đó, tổ chức tài chính này lại chậm chạp trong việc điều chỉnh theo sự thay đổi của ngành ngân hàng sau khủng hoảng. Credit Suisse dựa nhiều vào mảng ngân hàng đầu tư, vốn ngày càng phát triển mất kiểm soát. Loạt vụ bê bối, các rắc rối pháp lý cùng với bộ máy quản lý liên tục xáo trộn khiến niềm tin của nhà đầu tư bị xói mòn.

Ngày 16/3, Credit Suisse thông báo nhận được sự bảo đảm về khoản vay 54 tỷ USD từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) để tăng cường tính thanh khoản. Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s khẳng định: Mức xếp hạng AAA của Thụy Sĩ phản ánh đánh giá của chúng tôi là các nền tảng kinh tế của nước này rất mạnh, không gian tài chính rộng và các thể chế rất hiệu quả cho phép nước này quản lý tốt các cú sốc hiện nay.

Tuy nhiên, các nhà phân tích của JPMorgan lại cho rằng, khoản hỗ trợ thanh khoản của SNB sẽ không đủ để xoa dịu những lo ngại của nhà đầu tư đồng thời dự báo kịch bản dễ xảy ra nhất là Credit Suisse sẽ bị thâu tóm. JPMorgan đánh giá ngân hàng UBS, đối thủ lớn nhất của Credit Suisse, là ứng viên sáng giá có thể thực hiện vụ thâu tóm. JPMorgan cho rằng, biện pháp hỗ trợ thanh khoản của SNB không đủ và vấn đề mà Credit Suisse đang đối mặt là niềm tin thị trường dành cho chiến lược kinh doanh quốc tế của ngân hàng này và tình trạng suy giảm năng lực kinh doanh.

Cuộc giải cứu khẩn cấp

Đúng như dự đoán của JPMorgan, vụ thâu tóm đã diễn ra. Theo Financial Times, ngày 19/3, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS đã đồng ý mua Credit Suisse sau khi tăng đề nghị lên hơn 3,25 tỷ USD. Quyết định này được đưa ra sau khi chính quyền Thụy Sĩ sẵn sàng thay đổi luật để bỏ qua một cuộc bỏ phiếu của cổ đông về giao dịch khi các bên phải gấp rút hoàn tất thỏa thuận trước ngày 20/3.

Chính phủ Thụy Sĩ đã viện dẫn một điều khoản trong Hiến pháp, theo đó có thể ban hành các sắc lệnh tạm thời “nhằm ngăn chặn mối đe dọa hiện có hoặc sắp xảy ra với trật tự công cộng hoặc mối đe dọa về an ninh nội địa hoặc bên ngoài”. Trong trường hợp này là việc đặt luật sáp nhập lên trên quy định về quyền biểu quyết của cổ đông doanh nghiệp. Chủ tịch FINMA Marlene Amstad nói với báo giới: Hiến pháp Thụy Sĩ cho phép được bỏ qua một tình huống về cạnh tranh để bảo đảm sự ổn định về tài chính và chúng tôi đã sử dụng quyền đó.

Thỏa thuận giữa hai ngân hàng lớn nhất của Thụy Sĩ được ký kết ngay trong tối 19/3 và được định giá bằng một phần giá đóng cửa của Credit Suisse hôm 17/3. Trong khi đó, SNB đồng ý cung cấp hạn mức thanh khoản 100 tỷ USD cho Credit Suisse như một phần của thỏa thuận.

FINMA chính thức phê duyệt việc UBS tiếp quản Credit Suisse để tiếp tục tất cả các hoạt động kinh doanh của cả hai ngân hàng mà không bị hạn chế hoặc gián đoạn. Sau sáp nhập, Credit Suisse và UBS có tổng số tiền gửi của khách hàng là 333 tỷ franc Thụy Sĩ (khoảng 360 tỷ USD). Con số này nhiều hơn 115 tỷ franc Thụy Sĩ so đối thủ gần nhất là ngân hàng Raiffeisen. FINMA tin rằng giải pháp tiếp quản giúp bảo đảm sự ổn định cho khách hàng và trung tâm tài chính sau khi Credit Suisse trải qua cuộc khủng hoảng niềm tin.

Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ khẳng định ủng hộ việc UBS mua lại Credit Suisse và tạo cơ sở pháp lý cần thiết để SNB cung cấp cho Credit Suisse khoản hỗ trợ bổ sung dưới dạng tiền mặt. Hội đồng Liên bang cũng cấp cho SNB một bảo lãnh phòng ngừa nguy cơ vỡ nợ đối với các khoản vay thanh khoản, đồng thời cấp khoản bảo lãnh 9,7 tỷ USD cho UBS để giảm rủi ro mà ngân hàng này phải gánh chịu do mua lại một số tài sản có khả năng bị thua lỗ. Với gói biện pháp này, Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ khẳng định sẵn sàng thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ người gửi tiền và sự ổn định của trung tâm tài chính Thụy Sĩ.

Trong cuộc phỏng vấn trên đài SRF, Giám đốc điều hành UBS Ralph Hamers cho rằng UBS có thể quản lý được những rủi ro sau vụ thâu tóm Credit Suisse. UBS sẽ cải cách ngân hàng đầu tư của Credit Suisse thành một ngân hàng đầu tư giống như của UBS để tránh rủi ro. Theo Giám đốc điều hành UBS, vụ thâu tóm giúp đem lại sự ổn định và bảo đảm cho các khách hàng của Credit Suisse, cũng như duy trì danh tiếng của trung tâm tài chính của Thụy Sĩ.

Giới chuyên gia cho rằng, cuộc khủng hoảng của Credit Suisse sẽ không kéo dài bởi nguyên nhân dẫn đến các vấn đề của Credit Suisse là cuộc khủng hoảng niềm tin, vốn không liên quan UBS. Bên cạnh đó, SNB và Chính phủ Thụy Sĩ cũng đã có những phản ứng nhanh nhạy và quyết đoán để kịp thời ngăn chặn khủng hoảng lan rộng. Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter nhận định, việc Credit Suisse rơi vào phá sản thậm chí có thể tạo ra những gánh nặng vượt ngoài biên giới nước này. Việc UBS tiếp quản Credit Suisse đã đặt nền móng cho sự ổn định tài chính ở cả Thụy Sĩ và quốc tế.

Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sĩ (SBA) khẳng định các ngân hàng nước này rất an toàn, khi có cơ sở vốn mạnh mẽ và khả năng chống chịu tốt trong bối cảnh khủng hoảng. Theo SBA, tài sản gửi vào ngân hàng Thụy Sĩ hoặc tổ chức tài chính nước ngoài có chi nhánh ở Thụy Sĩ phải được cấp phép, quản lý và giám sát bởi FINMA. Mặt khác, luật Thụy Sĩ cũng yêu cầu các tiêu chuẩn về vốn để bảo đảm khả năng thanh toán.

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và giới lãnh đạo các ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới đã hoan nghênh hành động nhanh chóng của Chính phủ Thụy Sĩ để xử lý cuộc khủng hoảng của Credit Suisse. Theo Chủ tịch ECB Christine Lagarde, hành động của giới chức Thụy Sĩ là nền tảng để khôi phục trật tự thị trường và bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính. ECB khẳng định, hệ thống tài chính châu Âu có đủ thanh khoản và khả năng phục hồi tốt.