Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

NDO - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều nay (28/5), Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
0:00 / 0:00
0:00
Với phạm vi điều chỉnh khá toàn diện, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và bảo đảm thực thi pháp luật đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả với các cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội để phát triển Thủ đô.
Với phạm vi điều chỉnh khá toàn diện, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và bảo đảm thực thi pháp luật đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả với các cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội để phát triển Thủ đô.

Trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã cơ bản được các đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết, mục đích, quan điểm sửa đổi luật và nội dung chính của dự thảo luật.

Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các đại biểu Quốc hội; tổ chức các cuộc làm việc với bộ, ngành, cơ quan có liên quan; cử đại diện tham gia một số cuộc hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đã được Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 3/2024; sau đó được tiếp thu, chỉnh lý để trình xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 (tháng 3/2024) và gửi lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan có liên quan.

Đồng thời, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Chính phủ. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có nhiều điểm mới, tiến bộ, đưa ra những cơ chế vượt trội để Hà Nội có thể phát triển...

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có 7 chương và 54 điều, trong đó đã bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung để thực hiện chủ trương tăng cường phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội trên một số lĩnh vực; thể chế hóa kịp thời các chỉ đạo, kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị có liên quan đến các chính sách được thể hiện trong dự thảo Luật.

Trao đổi với phóng viên bên lề nghị trường, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đánh giá, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có những thay đổi căn bản và mang tính đột phá với tinh thần là trao quyền quyết định nhiều hơn cho Thủ đô trong việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quyết định khác biệt so với quy định chung của cả nước.

Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội).

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cũng còn một vài điểm cần phải có những quy định thật rõ ràng và đúng nghĩa vượt trội riêng cho Thủ đô. Điển hình như việc khai thác, phát triển thành phố hai bên sông Hồng. Làm thế nào để biến sông Hồng thành một trục trung tâm là trục văn hóa, sinh thái, du lịch, dịch vụ bởi những yếu tố này sẽ là trung tâm để phát triển của thành phố.

Theo đại biểu, nếu chúng ta vẫn cứ để các quy định như trong dự thảo là việc xây dựng các công trình ven sông, khai thác các khu vực ven sông vẫn phải tuân thủ quy định của Luật Đê điều thì điều này có nghĩa toàn bộ hành lang ven sông của Hà Nội cũng sẽ giống như hành lang ven sông của các tỉnh khác, đều không thể tạo ra được diện mạo mới cho Thủ đô. Do vậy, cần chỉnh sửa để tạo cho Hà Nội một cơ chế riêng trong việc khai thác hai bên bãi sông Hồng, sông Đuống cũng như một số bãi sông khác trên địa bàn.

Quan tâm đến các quy định về phát triển văn hóa trong dự thảo Luật, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cho biết, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ đề ra mục tiêu Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Nghị quyết số 30-NQ/TƯ yêu cầu “phát triển Thủ đô xứng tầm với truyền thống ngàn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội, thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước”.

Đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu để xác định được nét riêng, nét đặc trưng của văn hóa Thủ đô, đặt văn hóa vào vị trí xứng đáng trong xây dựng và phát triển Thủ đô. Từ đó, bổ sung các quy định về giáo dục và đào tạo, tuyên truyền và phổ biến những nét đẹp riêng có của Thủ đô, song song với khen thưởng và xử phạt cũng như bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa Thủ đô trong dự thảo Luật.