Ngày 8/12, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua một loạt dự luật quy định sử dụng hệ thống tính tuổi của quốc tế trong tất cả các lĩnh vực hành chính và tư pháp, thay vì sử dụng hệ thống riêng của nước này.
Theo các điều khoản sửa đổi Đạo luật dân sự và Đạo luật chung về hành chính công dự kiến có hiệu lực vào tháng 6/2023, các hệ thống tính tuổi của Hàn Quốc sẽ được thống nhất theo hệ thống tính tuổi đã được quốc tế công nhận, trong đó tuổi được tính theo ngày sinh.
Hàn Quốc hiện đang sử dụng 3 hệ thống tính tuổi. Cách tính phổ biến nhất còn gọi là “tuổi Hàn Quốc,” theo đó một người được tính 1 tuổi từ ngày sinh ra và thêm 1 tuổi vào ngày đầu tiên của năm mới.
Hệ thống thứ hai là hệ thống được quốc tế công nhận, theo đó tuổi của một người được tính theo ngày sinh.
Cách tính thứ ba cộng thêm 1 tuổi vào ngày đầu tiên của năm mới.
Hiện có nhiều ý kiến lo ngại rằng các hệ thống khác nhau có thể gây nhầm lẫn trong trợ cấp xã hội, cung cấp các dịch vụ y tế và hành chính, đồng thời phát sinh những chi phí xã hội không cần thiết.
Trước đó, trong cam kết tranh cử, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol khẳng định sẽ thống nhất hệ thống tính tuổi của nước này.
Ngoài ra, cũng tại phiên họp toàn thể, Quốc hội Hàn Quốc còn thông qua các điều khoản sửa đổi luật nhằm ngăn ngừa tình trạng gián đoạn quy mô lớn các dịch vụ nhắn tin di động như KakaoTalk - ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất ở Hàn Quốc.
Vào tháng 10 vừa qua, hỏa hoạn xảy ra tại tòa nhà trụ sở của trung tâm dữ liệu thuộc Tập đoàn Kakao ở ngoại ô thủ đô Seoul, gây mất điện và làm gián đoạn dịch vụ nhắn tin cũng như các dịch vụ công, dịch vụ gọi xe liên quan ứng dụng KakaoTalk với hơn 40 triệu người dùng.
Theo các điều khoản sửa đổi, các công ty vận hành những nền tảng như Kakao sẽ phải soạn thảo các kế hoạch quản lý thảm họa và báo cáo Bộ trưởng Khoa học Hàn Quốc những nỗ lực cung cấp dịch vụ ổn định, cũng như phản ứng nhanh đối với các sự cố gián đoạn dịch vụ.