Quảng Trị xây dựng phương án ứng phó với kịch bản rủi ro thiên tai cấp độ 3

NDO -

Chiều 23/8, tại huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị phòng, chống thiên tai, sạt, lở đất trên địa bàn, nhất là ở 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, nơi có nhiều dự án điện gió.

Mưa lũ gây sạt lở tại khu vực đóng quân của Đoàn kinh tế quốc phòng 337 (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa) vào ngày 18/10/2020 ở Quảng Trị khiến 22 chiến sĩ hy sinh.
Mưa lũ gây sạt lở tại khu vực đóng quân của Đoàn kinh tế quốc phòng 337 (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa) vào ngày 18/10/2020 ở Quảng Trị khiến 22 chiến sĩ hy sinh.

Nhận định từ nay đến hết năm 2021 còn khoảng chín đến 11 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 4 đến 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, nhiều cơn bão sẽ đổ bộ địa bàn tỉnh Quảng Trị, tập trung trong từ tháng 9 đến tháng 11. Vì vậy, cần chú ý đề phòng khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt, lở đất  do mưa lớn gây ra.

Hội nghị đã tập trung đánh giá thực trạng, nhận diện các vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt, lở đất ở khu vực miền núi. Trên cơ sở dự báo, đánh giá này, tỉnh Quảng Trị xây dựng phương án ứng phó với kịch bản rủi ro thiên tai của năm 2021 là cấp độ 3. Đây là cấp độ lớn nhất đối với loại hình lũ quét, sạt lở đất, tương đương với mưa lũ lịch sử năm 2020 tại tỉnh này.

Theo đó, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét trong mùa mưa lũ 2021 gồm 30 xã; nguy cơ ảnh hưởng sạt, lở đất đồi 27 xã, thuộc các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ.

Đối với vùng có nguy cơ từ các dự án điện gió, trong 31 dự án được phê duyệt, đã có 2 dự án đi vào hoạt động, còn lại 29 dự án thì có đến 26 dự án đang triển khai thi công, đều thuộc địa bàn huyện Hướng Hóa có nguy cơ làm mất ổn định mái dốc, thay đổi địa hình, cản trở khả năng tiêu thoát nước mặt, hệ thống thoát nước tại các công trình. Các bãi thải có nguy cơ sạt, trượt cao gây tắc nghẽn dòng chảy, có khả năng gây ra các tình huống lũ ống, lũ quét, sạt lở.

Vì vậy, để đối phó khi có tình huống khẩn cấp với mức độ rủi ro thiên tai cấp độ 3 xảy ra với các loại hình thiên tai ở trên, tỉnh Quảng Trị tính toán tổng số hộ dân các huyện trên cần sơ tán, di dời đến nơi an toàn gần 4 nghìn hộ và gần 16 nghìn người. Lực lượng tham gia ứng phó chủ yếu tại chỗ của các địa phương, đơn vị đóng trên địa bàn xã, huyện; nòng cốt là lực lượng xung kích, dân quân tự vệ, thanh niên tình nguyện. Lực lượng của tỉnh chuẩn bị khi cần thiết để điều động hỗ trợ gần 3.500 người.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, phát triển điện gió là chủ trương lớn của tỉnh để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nội dung này được đưa vào nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025.

Tuy nhiên, các chủ đầu tư dự án điện gió cần nghiêm túc thực hiện đúng các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường của dự án đã được phê duyệt. Đẩy nhanh tiến độ thi công và có phương án tổ chức sản xuất bảo đảm an toàn trước và trong thiên tai.

Cần có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời các bãi thải có nguy cơ sạt lở đất, gia cố bảo đảm ổn định đề phòng sạt, trượt mái ta-luy đường công vụ trước mùa mưa bão. Khẩn trương hoàn thành các thủ tục về đất đai, đánh giá tác động môi trường. Sau khi công trình điện gió đi vào vận hành, chủ đầu tư có trách nhiệm phục hồi nguyên trạng diện tích sử dụng tạm thời.

Quảng Trị xây dựng phương án ứng phó với kịch bản rủi ro thiên tai cấp độ 3 -0
 Lũ quét của năm 2020 làm đứt đoạn đường Hồ Chí Minh nhánh tây đoạn qua địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động các phương án ứng phó thiên tai, tình trạng sạt lở đất, lũ quét năm 2021, bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản; xem an toàn tính mạng của nhân dân là hàng đầu, trên hết.  Về lâu dài, phải rà soát, xây dựng các khu tái định cư để di dời dân ở những vùng có nguy cơ ảnh hưởng cao đến nơi bảo đảm an toàn.

Đối với các hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét do tác động của các dự án điện gió thì chủ đầu tư phải phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, phương án bố trí sắp xếp ổn định dân cư an toàn trước thiên tai, đồng thời hỗ trợ kinh phí bồi thường cho người dân đến nơi ở mới an toàn.

Trước đó, năm 2020, Quảng Trị là một trong ít tỉnh của miền trung bị thiên tai tàn phá dữ dội nhất với nhiều trận mưa lớn gây ngập lũ, lũ ống, lũ quét gây sạt lở đất đồi, vùi lấp nhiều người.

Toàn tỉnh ghi nhận 56 người chết, một người mất tích, 53 người bị thương; 3.365 nhà dân bị hư hỏng; 110.842 lượt nhà dân bị ngập nước; sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, nhiều công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, xây dựng, giáo dục… hư hỏng nặng ước tổng giá trị thiệt hại đến 4.252 tỷ đồng; trong đó, 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông thiệt hại lớn nhất. Đến nay công tác khắc phục, tái thiết sau thiên tai trên toàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan.