Quảng Trị phấn đấu có thêm hai huyện đạt chuẩn nông thôn mới

Tỉnh Quảng Trị hiện có 63/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sau khi được công nhận, các xã đã chú trọng duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, triển khai nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân và tiến đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
0:00 / 0:00
0:00
Thôn thông minh Tân Xuân 1, xã Cam Thành thuộc huyện nông thôn mới Cam Lộ.
Thôn thông minh Tân Xuân 1, xã Cam Thành thuộc huyện nông thôn mới Cam Lộ.

Ông Trần Trọng Tuấn, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách nông thôn mới tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đang thẩm định thêm sáu xã nông thôn mới của năm 2022 và chuẩn bị thẩm định tám xã nông thôn mới nâng cao. Ngoài huyện Cam Lộ, tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2023 có thêm hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng đạt chuẩn nông thôn mới và có thêm bốn xã đạt chuẩn nông thôn mới và năm xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Tỉnh ủy Quảng Trị có Nghị quyết số 03/2021 đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có thêm bốn huyện đạt chuẩn nông thôn mới (cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17; giai đoạn 2020-2025 là một huyện) và có một huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Cùng với đó, toàn tỉnh có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 25% số xã đạt chuẩn nâng cao, kiểu mẫu; không còn xã dưới 13 tiêu chí. Phấn đấu có 40% số thôn, bản của các xã khó khăn và chín xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo ông Tuấn, để khơi thêm nguồn lực, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, hai năm qua các cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Trị tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tạo ra nhiều hàng hóa, các ngành nghề dịch vụ, sản phẩm lợi thế.

Cốt lõi của xây dựng nông thôn là nâng cao năng lực cộng đồng, tạo ra không gian cộng đồng rộng mở, hình thành mạng liên kết giữa các cộng đồng, hướng đến xây dựng cấu trúc kinh tế-xã hội bền vững, xây dựng nông thôn hài hòa, giàu bản sắc; hài hòa giữa quyền lợi và nghĩa vụ, giữa thụ hưởng và đóng góp, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa truyền thống và hiện đại, giữa tri thức bản địa và tri thức phổ quát, khoa học-kỹ thuật tiên tiến.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, ngoài ngân sách trung ương, tỉnh Quảng Trị đã có Nghị quyết số 30/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định phân bố ngân sách đầu tư xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh mỗi năm 70 tỷ đồng, gần gấp đôi vốn đầu tư hằng năm của giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, để thực hiện xây dựng nông thôn mới cho chín xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh bố trí ngân sách cho mỗi xã 4 tỷ đồng.

Theo Kế hoạch số 130/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, tỉnh quyết tâm đầu tư nguồn lực, phấn đấu cuối năm 2023, hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Vĩnh Linh phấn đấu cuối năm 2024 và Gio Linh cuối năm 2025. Để đạt kế hoạch này, tỉnh đầu tư nguồn lực cho mỗi huyện 50 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và địa phương. Đặc biệt trong năm 2023, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư cho hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng đạt chuẩn là huyện nông thôn mới.

Ông Lê Đức Thịnh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hải Lăng cho biết, nhằm hiện thực hóa mục tiêu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2023, Hải Lăng tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung huy động mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đến nay, toàn huyện có 13/15 xã đạt chuẩn, huyện đạt 4/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, 5 tiêu chí đã tiệm cận với quy định.

Trong giai đoạn 2020-2025, Bộ tiêu chí quốc gia về xã, huyện nông thôn mới của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cao hơn, đòi hỏi kinh phí lớn để thực hiện các tiêu chí đạt chuẩn. Để đạt được yêu cầu này, Ban Thường vụ Huyện ủy Hải Lăng đã chọn chủ đề của năm 2023 là: "Trách nhiệm, kỷ cương, huy động nguồn lực về đích huyện nông thôn mới".

Chính vì vậy, Ủy ban nhân dân huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban, địa phương quyết tâm đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới để hoàn thành các tiêu chí theo kế hoạch đã đề ra.

Trước mắt, huyện tập trung chỉ đạo hai xã vùng biển Hải An và Hải Khê đạt chuẩn nông thôn mới; hai xã Hải Phú và Hải Hưng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các xã đạt chuẩn cần giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt và xây dựng lộ trình đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2022-2025.

Ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, Chánh Văn phòng nông thôn mới tỉnh cho biết: Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025, tỉnh đặt ra mục tiêu thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh và từng bước đạt được.

Ngành quyết tâm đạt được nhiều kết quả cao hơn nữa của chương trình này để góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn; xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nông thôn mới thông minh và thích ứng biến đổi khí hậu; bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn.