Tỉnh Quảng Trị xác định đột phá trong xây dựng quy hoạch cùng với phân bổ nguồn lực, lựa chọn công trình có tính lan tỏa cao và xây dựng cơ chế thu hút vốn đầu tư là chìa khóa để tỉnh sớm có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại.
Phấn đấu sớm khởi công cảng hàng không Quảng Trị
Những ngày này, Ban Quản lý dự án Ðầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị và Ủy ban nhân dân huyện Gio Linh đang tất bật khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng cảng hàng không Quảng Trị. Trong diện tích quy hoạch có 265,3 ha đất (chưa bao gồm đất quân sự) để xây dựng cảng hàng không thuộc ba xã Gio Quang, Gio Mai và Gio Hải của huyện Gio Linh, chỉ có 31 nhà dân, hai trường mầm non và tiểu học; một nghĩa địa nằm trong diện giải tỏa, vì vậy vị trí được tỉnh Quảng Trị quy hoạch thực hiện dự án có mặt bằng khá sạch.
Hiện nay, Ban quản lý đã thông báo mời thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà đầu tư Dự án thành phần 2 - Xây dựng cảng hàng không thuộc Dự án Ðầu tư xây dựng cảng hàng không Quảng Trị - theo phương thức đối tác công tư, có tổng mức đầu tư khoảng 5.821 tỷ đồng.
Quy mô các công trình của cảng hàng không phải hoàn thành trước năm 2026 gồm: xây dựng các công trình cơ bản đáp ứng khai thác khoảng 500 nghìn hành khách/năm; công trình khu bay gồm đường cất-hạ cánh 2.400 x 45 m; hai sân quay đầu bố trí tại hai đầu đường cất-hạ cánh kích thước 100 x 20 x 65 m; một đường lăn nối từ đường cất-hạ cánh vào sân đỗ máy bay kích thước 244 x 15 m, sân đỗ máy bay đáp ứng ba vị trí code C. Công ty cổ phần Tập đoàn T&T là nhà đầu tư đề xuất Dự án xây dựng cảng hàng không Quảng Trị. Theo đó thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư dự kiến vào cuối tháng 11/2023. Tỉnh Quảng Trị quyết tâm phối hợp nhà đầu tư khởi công xây dựng cảng hàng không trong thời gian sớm nhất, có thể cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.
Trên công trình dự án đường ven biển kết nối hành lang kinh tế đông tây đang được các đơn vị thi công những chiếc cầu vĩnh cửu. Dự án đi qua địa bàn ba huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và thành phố Ðông Hà với tổng chiều dài gần 55 km có vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2023 đến năm 2025.
Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án Ðầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị Nguyễn Thanh Bình, trên toàn tuyến có sáu cầu bê-tông cốt thép và bê-tông dự ứng lực. Các đơn vị đã triển khai thi công bốn gói thầu gồm bốn cầu. Tại gói thầu xây dựng cầu Thạch Hãn 1, bắc qua sông Thạch Hãn, các đơn vị thi công tận dụng thời tiết tốt tập trung lực lượng, phương tiện xe máy khẩn trương làm việc. Thời điểm hiện tại công trình đã hoàn thành các mố cầu, 99/184 cọc khoan nhồi…, khối lượng công việc đạt hơn 30%, dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ hoàn thành 100% kế hoạch của năm. Cùng với đó, Ban đang gấp rút giải phóng mặt bằng để tập trung công việc trọng tâm của dự án vào năm 2024 là thi công phần đường.
Với Dự án Quốc lộ 15D từ Cửa khẩu quốc tế La Lay (thông với Lào) về biển Mỹ Thủy dài khoảng 70 km. Hiện có hai đoạn đường trên tuyến này được đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác, gồm: đoạn từ Cửa khẩu quốc tế La Lay về đường Hồ Chí Minh nhánh tây dài gần 12 km; và từ Quốc lộ 1 về biển Mỹ Thủy dài 14 km. Cùng với đó có hai đoạn tuyến phải xây mới gồm đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn dài 8 km và đoạn từ cao tốc này đến đường Hồ Chí Minh nhánh tây dài 34 km. Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Ðầu tư xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ kết nối với Lào, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới, trong đó có Quốc lộ 15D với tổng mức đầu tư 1.387 tỷ đồng, thời gian thực hiện 5 năm sau khi hiệp định tài trợ có hiệu lực (2024-2028).
Sau khi hoàn thành xây dựng các đoạn tuyến của Quốc lộ 15D, đây sẽ là tuyến kết nối quan trọng về giao thông đường bộ giữa Quảng Trị với tỉnh Salavan (Lào) và tỉnh Ubon Ratchanthani (Thái Lan), tạo thành hành lang Para-EWEC ngắn nhất, song song với hành lang kinh tế đông tây-Quốc lộ 9 (EWEC) thúc đẩy phát triển mọi mặt của tỉnh và cả khu vực miền trung.
Công trình cầu Thạch Hãn 1 đã hoàn thành các mố cầu và cọc khoan nhồi. |
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện
Ðoạn cuối của Quốc lộ 15D là biển Mỹ Thủy. Dự án khu bến cảng Mỹ Thủy tại biển Mỹ Thủy được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2019 với diện tích 685 ha. Trong đó, diện tích thực hiện dự án giai đoạn 1 là 133,67 ha với quy mô bốn bến cảng đón tàu có tải trọng lên đến 100 nghìn tấn phục vụ cho Khu kinh tế đông nam Quảng Trị và hàng hóa quá cảnh từ Lào, đông bắc Thái Lan về trên EWEC và Para-EWEC.
Ðến nay, dự án đã hoàn thành công tác kiểm kê tài sản của các hộ dân bị ảnh hưởng trong giai đoạn 1, phê duyệt quy hoạch chi tiết, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo nghiên cứu khả thi. Công ty cổ phần Liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy, đơn vị đầu tư đã chi trả hơn 80,3 tỷ đồng giải phóng mặt bằng, tương đương 101,47 ha, còn lại hơn 32,2 ha đang được tiếp tục triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Ðể đốc thúc công việc, tỉnh vừa quyết định thành lập tổ hỗ trợ công tác để triển khai thi công dự án khu bến cảng Mỹ Thủy trong thời gian sớm nhất.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Võ Văn Hưng cho biết, tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng thực tế hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh còn hạn chế, chưa đồng bộ, hiện đại và vẫn là điểm nghẽn đối với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do đó, việc khẩn trương triển khai các dự án giao thông sẽ là động lực tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế-xã hội của Quảng Trị. Vì vậy, tỉnh luôn quan tâm thúc đẩy đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, thu hút vốn FDI có chọn lọc để phát triển hạ tầng giao thông. Thời gian qua các địa phương trong tỉnh đã đồng thời triển khai giải phóng mặt bằng cùng lúc nhiều dự án trọng điểm. Nhằm đẩy nhanh tiến độ, ngay từ đầu năm, tỉnh đã thành lập Tổ công tác của Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng cấp tỉnh để thực hiện tốt hơn nữa việc triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, đặc biệt về giao thông. Theo đó, mỗi tổ do một Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm tổ trưởng và các lãnh đạo sở, ban, ngành làm thành viên nhằm đôn đốc, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến thăm tỉnh Quảng Trị mới đây đã yêu cầu tỉnh khẩn trương hoàn thành các thủ tục với các dự án giao thông động lực; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, tỉnh cần nêu cao tinh thần quyết tâm trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm; phối hợp, hỗ trợ tốt cho các đơn vị thi công để hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch, tiến độ đề ra nhằm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội không chỉ Quảng Trị mà cho toàn khu vực. Ðây là những nhiệm vụ luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm sát sao.
Kiểm tra hiện trường các dự án giao thông mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Võ Văn Hưng đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương liên quan, nhà đầu tư đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện các dự án, xem đây là nhiệm vụ then chốt, công việc cần kíp. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cấp ủy, chính quyền, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện thành công các dự án, nhất là các dự án trọng điểm, góp phần tạo đột phá, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Khi hoàn thiện, các dự án sẽ kết nối hạ tầng giao thông từ đường hàng không, cao tốc đường bộ, đường bộ ven biển, các quốc lộ tạo liên kết đầy đủ mạng lưới giao thông, mở rộng không gian, cơ hội phát triển. Cùng với đó, các địa phương cần chủ động quỹ đất và phương án tái định cư với điều kiện nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ để người dân sớm bàn giao mặt bằng sạch. Ðồng thời, khảo sát các mỏ đất tại địa phương để lập phương án khai thác, phục vụ công trình giao thông. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tăng cường phối hợp với địa phương thực hiện các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất trồng lúa để Ủy ban nhân dân tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.