Ba nhóm nhiệm vụ trọng tâm giải quyết các yếu tố bất lợi
Trên cơ sở đó, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch hành động, chương trình, kế hoạch và đề án để cụ thể hóa đường lối, chủ trương và định hướng của Đảng và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sớm đưa nghị quyết đại hội các cấp đi vào cuộc sống, quyết tâm tạo ra được sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ và những bước đột phá quan trọng trong nhiệm kỳ mới với niềm tin và sự kỳ vọng rất lớn. Tuy nhiên, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tình hình xuất hiện những khó khăn, bất lợi lớn hơn so với dự báo ban đầu như dịch bệnh, thiên tai. Việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII đứng trước những thách lớn rất lớn.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, trước tình hình đó, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và cả hệ thống chính trị đã quán triệt nghiêm túc và thực hiện kịp thời chủ trương của Đảng và sự điều hành của Chính phủ; phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm, trong đó tập trung điều hành, chỉ đạo vào ba nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, thực hiện mục tiêu kép theo đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ. Đó là huy động sức mạnh tổng hợp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội với quan điểm xuyên suốt “Chống dịch như chống giặc”; “bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân là ưu tiên hàng đầu, trước hết và trên hết”. Nhờ vậy, tỉnh đã khống chế nhanh và giảm thiểu hậu quả nghiêm trọng, nguy hiểm của dịch bệnh đối với sức khỏe và tính mạng của người dân.
Khi dịch bệnh đã được kiểm soát, toàn tỉnh đã kịp thời triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19”, đưa đời sống của nhân dân toàn tỉnh chuyển sang trạng thái bình thường mới.
Thứ hai, huy động mọi nguồn lực và tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các phương án khắc phục hậu quả thiên tai, phục hồi sản xuất và ổn định đời sống của nhân dân.
Thứ ba, tập trung chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra. Trong đó ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm. Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ và giúp đỡ về chủ trương, cơ chế và nguồn lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để đẩy mạnh thu hút đầu tư để hiện thực hóa các mục tiêu lớn đã được đại hội các cấp xác định, nhất là các công trình, dự án có sức lan tỏa và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Nửa đầu nhiệm kỳ (2020-2025) tốc độ tăng trưởng các mặt của tỉnh đạt kết quả đáng mừng. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2021 đạt 6,63%; năm 2022 đạt 7,17%; dự kiến năm 2023 đạt 7,2%. Bình quân GRDP giai đoạn 2021-2023 đạt 7%/năm (mục tiêu bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 7,5-8%). GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 56,5 triệu đồng; năm 2022 đạt 62,8 triệu đồng; dự kiến năm 2023 đạt 69,4 triệu đồng, đạt tỷ lệ 81,6% so với kế hoạch (mục tiêu đến năm 2025 là 85- 90 triệu đồng).
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021-2023 là 14.402,1 tỷ đồng, đạt 67% so với kế hoạch (mục tiêu giai đoạn 2020-2025 đạt 21.500-22.500 tỷ đồng). Tỷ lệ đạt tiêu chí về nông thôn mới năm 2021 là 63 xã; năm 2022 là 69 xã; mục tiêu năm 2023 là 73 xã, đạt 72,3% (mục tiêu đến năm 2025 là 75%). Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 là 1,21%; năm 2022 đạt 1,40%; dự kiến năm 2023 đạt 1,2%, bình quân 3 năm 2021-2023 giảm 1,27% (mục tiêu bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2025 đạt 1,0 -1,5%).
Chọn chương trình, lĩnh vực đột phá phát triển
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, trên tinh thần phát huy trí tuệ, sáng tạo, tỉnh đã chọn các chương trình, đề án, lĩnh vực mang tính đột phá để phát triển. Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của nhiệm vụ quy hoạch, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên và sâu sát nhằm tạo hành lang pháp lý, cơ sở và tiền đề để khai thác tiềm năng lợi thế, thu hút đầu tư phát triển kinh tế, xã hội.
Dự án điện gió được xây dựng ở huyện Hướng Hóa phát huy hiệu quả kinh tế cao. |
Tỉnh đã chỉ đạo hoàn thiện nội dung báo cáo Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng quy định của pháp luật và đề cương, nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện nay, đã hoàn thiện Báo cáo cuối kỳ trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ngày 21/3/2023. Dự kiến trình thẩm định vào quý II và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào quý III/2023.
Lĩnh vực đột phá thứ hai là xây dựng kết cấu hạ tầng. Ngoài các dự án lớn đã được thực hiện, tỉnh triển khai xây dựng công trình giao thông mang tính chiến lược nhằm tăng cường liên kết vùng, khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh như Đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông-Tây, Đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông và đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, cao tốc Cam Lộ-La Sơn; Cam Lộ-Vạn Ninh; đường tránh phía đông thành phố Đông Hà… Tích cực vận động, thu hút đầu tư để sớm triển khai thực hiện các dự án động lực như: Khu công nghiệp Quảng Trị, Cảng hàng không Quảng Trị, tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo, Quốc lộ 15D…
Trong 3 năm 2021-2023, toàn tỉnh Quảng Trị huy động được 82.784 tỷ đồng để phát triển (dự kiến năm 2023 huy động được 27.000 tỉ đồng), trong đó nguồn vốn từ khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng. Đối với thu hút đầu tư trong nước, tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 106 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 74.322,18 tỷ đồng.
Với đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ năm 2021 đến nay đã thu hút được 3 dự án đầu tư theo hình thức cấp mới với tổng mức đầu tư là 2.409,52 triệu USD và 1 dự án đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với mức đầu tư khoảng 51 triệu USD.
Lĩnh vực đột phá thứ 3 là hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của khu vực miền trung. Với sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc mạnh mẽ của các đối tác và nhà đầu tư, đến nay tỉnh đã xây dựng được lộ trình thực hiện chủ trương trở thành Trung tâm năng lượng khu vực miền trung một cách bài bản, khoa học. Tổng công suất phát điện thương mại của các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh đã tăng hơn 3 lần so với nhiệm kỳ trước. Trong đó, các dự án điện gió đứng đầu cả nước cả về tổng công suất phát điện thương mại trên toàn quốc, chiếm 16,9%.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương xem xét, đưa vào Quy hoạch điện VIII đến 60 dự án điện gió trên bờ với tổng công suất 4.600MW; 3 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất 2.600MW; 19 dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.400MW; hơn 2.000MW các dự án thủy điện tích năng và khoảng 4.500MW từ các dự án điện khí.
“Những kết quả đạt được này tạo ra niềm tin và sự kỳ vọng lớn, là bước tiến vững chắc để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, phấn đấu đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao và năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước“, đồng chí Võ Văn Hưng cho biết. Đặc biệt chú ý triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.