Từng bước vượt qua khó khăn
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, năm 2021 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh Quảng Trị đạt 6,5%, thu ngân sách được 5.080/3.450 tỷ đồng kế hoạch, đạt 147%, tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt hơn 57,5 triệu đồng…là những kết quả quan trọng tạo tiền đề cho Quảng Trị tiếp tục vượt qua khó khăn, phát triển đạt được nhiều thành tựu trong những năm đến.
Cùng với phát triển kinh tế, văn hóa, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững ổn định thì công tác phòng chống Covid-19 thời gian qua thực hiện tốt, góp phần giữ cho tỉnh đạt tiêu chí vùng xanh an toàn. Kế hoạch tăng trưởng của năm 2022 phấn đấu đạt 6,5 đến 7%. Tuy nhiên, trong năm 2021 có 3/24 chỉ tiêu đạt thấp so với kế hoạch đề ra, nhiều dự án trọng điểm chưa đạt tiến độ, cải cách hành chính trong thu hút đầu tư chưa đạt yêu cầu. Những khó khăn này cần nhận diện kịp thời để có giải pháp phù hợp hơn cho thời gian đến.
Theo đồng chí Võ Văn Hưng, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm(2021- 2025); cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng: kỷ niệm 115 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn; 50 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị; 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ… nên đòi hỏi công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thi hành nhiệm vụ phải quyết liệt hơn, quyết tâm chính trị cao hơn nữa, có những giải pháp linh hoạt, thích ứng để vừa phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.
Trước hết, cần quan tâm tập trung nâng cao giá trị ngành nông nghiệp, thông qua việc tập trung đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ để thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hình thành chuỗi sản xuất gắn chế biến các sản phẩm nông nghiệp với thị trường tiêu thụ, để đến năm 2025 tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 15%, phi nông nghiệp chiếm 85% theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp - xây dựng, nhất là công nghiệp năng lượng và dịch vụ du lịch; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là tích cực đẩy nhanh việc hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp để tăng sức đóng góp của các doanh nghiệp cho nền kinh tế.
Trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp tỉnh quyết tâm thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, gắn với thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển sản xuất, khởi nghiệp doanh nghiệp. Cần chú trọng kêu gọi đầu tư hiệu quả, quan tâm hơn nữa việc thu hút các nhà đầu tư có năng lực triển khai thực hiện các dự án mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các công trình, dự án trọng điểm đã được cấp chủ trương đầu tư trên địa bàn.
Quy hoạch hướng đến hiện thực hóa các dự án đầu tư
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đăng Quang cho biết, tuy Quảng Trị thời gian qua đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng cơ bản vẫn là tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Tỉnh xác định ba trụ cột phát triển gồm công nghiệp, nông nghiệp và du lịch-dịch vụ, trước mắt và khoảng trong 10 năm đến thì nông nghiệp- nông thôn- nông dân vẫn là mặt trận chính, vì vậy nông nghiệp vẫn là bệ đỡ cho ngành kinh tế của tỉnh. Nên tỉnh tập trung quy hoạch xây dựng nông thôn mới để tạo ra những vùng quê đáng sống, không ngừng nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Đối với công nghiệp và xây dựng, tỉnh khát vọng hướng đến xây dựng trở thành trung tâm năng lượng của miền trung vì tỉnh còn nhiều dư địa phát triển tiềm năng điện gió trên đất liền, ngoài khơi, điện mặt trời, đặc biệt là dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng hai giai đoạn có công suất 4.500 MW. Đối với du lịch- dịch vụ thì các cơ sở hạ tầng như nhà ga, cảng biển, sân bay, các khu du lịch, du lịch biển đảo, nhất là các di tích lịch sử cách mạng cần phải được đầu tư, nâng cấp để phát triển, tạo sự khác biệt về du lịch để thu hút du khách.
Theo đồng chí Nguyễn Đăng Quang phân tích, muốn phát triển tốt mọi mặt như kỳ vọng, trước hết cần phải có quy hoạch xứng tầm, quy hoạch hướng đến hiện thực hóa các dự án đầu tư phát triển, nhất là các dự án trọng điểm, động lực, phải hướng đến ba trụ cột chính như trên để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và an sinh.
Thời gian qua tỉnh Quảng Trị mời các chuyên gia, đơn vị trong và ngoài nước triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể tỉnh giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2022. Cụ thể tỉnh Quảng Trị đã ký kết thỏa thuận thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội với Liên đoàn sản xuất Singapore (SMF). Các bên hợp tác thúc đẩy quảng bá cơ hội và dự án kinh doanh tại tỉnh Quảng Trị với mạng lưới các công ty thành viên và đối tác của SMF. Trong năm 2021, SMF giới thiệu các chuyên gia Singapore đến nghiên cứu, xây dựng quy hoạch tỉnh Quảng Trị với các nội dung về mục tiêu, kịch bản phát triển và lựa chọn phương án phát triển, định hướng sử dụng không gian; tham gia phản biện quy hoạch tỉnh và khảo sát nghiên cứu đề xuất ý tưởng, giải pháp, lập điều chỉnh quy hoạch chung; quy hoạch phân khu xây dựng và chức năng trong Khu kinh tế đông nam…
Khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì quy hoạch này là cơ sở để tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Tỉnh xác định công tác quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng, là công việc cần làm trước trong tất cả các công việc cần thực hiện hiện để phát triển mọi mặt. Làm tốt công tác quy hoạch sẽ giúp Quảng Trị phát triển tốt hơn trong tương lai.