Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân; Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính; Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, người dân trên địa bàn huyện Vĩnh Linh tham dự buổi lễ.
Công tác quản lý, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường của tỉnh Quảng Trị những năm gần đây đã được quan tâm đúng mức và đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Tỉnh cùng nhà đầu tư đưa vào hoạt động chuỗi 20 dự án điện gió với tổng công suất hơn 700 MW góp phần vào phát triển năng lượng sạch, hạn chế phát thải carbon và các chất gây ô nhiễm môi trường khác, giúp bảo vệ sức khỏe con người và đóng góp vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng mô hình giảm thiểu rác thải nhựa trong xây dựng nông thôn mới cho 2 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh. |
Cùng với đó, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt trên 94%, vùng nông thôn tăng tỷ lệ thu gom chất thải rắn từ 54% năm 2020 lên đến 80% năm 2023. Toàn tỉnh có hơn 120 mô hình thu gom, phân loại rác thải, thu gom rác và nhiều tổ tự quản về môi trường. Tỉnh đã thiết lập hành lang bảo tồn đa dạng sinh học với diện tích hơn 97.000 ha kết nối 2 Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông và Bắc Hướng Hóa…
Tuy nhiên, vấn đề môi trường trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, cần có giải pháp khắc phục hiệu quả hơn. Tình trạng khai thác cát sạn trên các sông lớn gây sạt lở nhiều đoạn của bờ sông Thạch Hãn, Bến Hải.. ảnh hưởng đến đời sống người dân chung quanh; nhà nước phải tốn ngân sách xây kè chống sạt lở bờ sông bảo về đất đai và an toàn cho cuộc sống người dân qua các đoạn sạt lở.
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng 1 mô hình sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn - kiểu mẫu cho Hội Nông dân huyện Vĩnh Linh và 10 xe thu gom rác cho HND xã Vĩnh Thái. |
Trên địa bàn còn một số điểm ô nhiễm môi trường cục bộ gây bức xúc dư luận chưa được xử lý triệt để; tình trạng đổ rác thải bừa bãi ven đường, xuống kênh rạch, ao hồ gây mất mỹ quan đô thị còn diễn ra. Công tác thu gom, xử lý chất thải tại một số khu vực nông thôn còn chưa cao, tỷ lệ thu gom rác còn thấp...
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đề nghị các ngành chức năng, địa phương tiếp tục triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật về tăng cường các hoạt động quản lý chất lượng môi trường.
Xây dựng cơ chế chính sách, đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở nghiên cứu phòng chống sa mạc hóa; điều tra đánh giá thực trạng hoang mạc hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu về sa mạc hóa, bản đồ hạn hán cho các khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp. Tổ chức các hoạt động chuyển giao công nghệ và những kết quả về hợp tác quốc tế, khu vực; trong đó có sáng kiến về giảm phát thải thông qua các nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, sáng kiến về chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Các tổ chức Hội Nông dân, địa phương ký cam kết xây dựng mô hình “Ngư dân mang rác vào bờ”. |
Tăng cường triển khai nhân rộng các mô hình hiệu quả trong việc phục hồi đất, các mô hình trồng rừng chống biến đổi khí hậu, chống hạn hán và sa mạc hoá, nhất là những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của hiện tượng hạn hán, sa mạc hoá. Kêu gọi các cấp, các ngành, cùng toàn thể người dân dân cùng chung tay bảo vệ tài nguyên thiên nhiên bằng những hành động cụ thể, việc làm ý nghĩa. Nói không với túi ni-lông và đồ nhựa dùng một lần; vận động gia đình, người thân không xả rác, chất thải ra môi trường; phân loại, xử lý rác, bỏ rác đúng nơi quy định.
Sau lễ mít tinh, gần 1.000 người tham gia nhặt rác bảo vệ môi trường ở bãi biển xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh. |
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính kêu gọi hội nông dân các cấp và cán bộ, hội viên nông dân cả nước đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, phát triển sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ hoặc bị sa mạc hóa, xây dựng lối sống hài hòa, bền vững với thiên nhiên…
Các cấp hội nông dân trong cả nước tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân, cộng đồng dân cư chung tay phòng tránh khô hạn, phục hồi đất đai, bảo vệ tài nguyên môi trường. Xây dựng các câu lạc bộ về bảo vệ môi trường trong hội viên nông dân theo định hướng chỉ đạo Nghị quyết 46 của Bộ chính trị.