Những dự án trọng điểm
Cũng như cả nước, Quảng Trị đang thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với rất nhiều chính sách thông thoáng là cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp tục vào đầu tư. Một dấu ấn quan trọng đó là tỉnh Quảng Trị vừa trao quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn I có công suất 1.500 MW cho tổ hợp các nhà đầu tư: Tập đoàn T&T Group, Công ty cổ phần Năng lượng Hanwha, Tổng Công ty điện lực Nam Hàn Quốc và Tổng Công ty khí Hàn Quốc. Đây là dự án hợp tác đầu tư giữa một tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam với tiềm lực kinh tế vững mạnh và ba doanh nghiệp Hàn Quốc uy tín hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tại châu Á, trong đó T&T Group góp vốn đầu tư 40% và ba doanh nghiệp còn lại góp 60% vốn đầu tư vào dự án. Tổng vốn đầu tư giai đoạn I dự án lên tới gần 54.000 tỷ đồng.
Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung giai đoạn I (1.500 MW) vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh với tiến độ vận hành năm 2026-2027; giai đoạn II của dự án (3.000MW) sẽ được xem xét cụ thể trong Quy hoạch Điện VIII. Trung tâm nằm ở địa phận hai xã Hải An và Hải Ba, huyện Hải Lăng có quy mô hơn 120 ha (thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị). Giai đoạn I sẽ xây dựng trung tâm kho cảng LNG Hải Lăng, công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn LNG/năm và Trung tâm điện lực Hải Lăng có công suất phát điện 1.500 MW. Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đang có các nhà đầu tư lớn quan tâm, triển khai thực hiện các dự án như: khu Công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP8), dự án kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp đa ngành Triệu Phú, dự án cảng biển Mỹ Thủy.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Quảng Trị và nhà đầu tư khởi công hạ tầng kỹ thuật giai đoạn I dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng vào tháng 12/2021. Hiện, tỉnh đang chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với tổ hợp các nhà đầu tư rà soát các điều kiện để khởi công dự án vào thời gian sớm nhất. Đây là dự án mang tầm quốc tế với giá trị phát triển bền vững, khi đi vào hoạt động sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cũng như tăng ngân sách cho Quảng Trị và thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu.
Công nghiệp năng lượng là ngành kinh tế chủ lực của Quảng Trị trong giai đoạn đến. Hiện tại, có 19 dự án điện gió đã đi vào hoạt động, các dự án còn lại đang nỗ lực hoàn thành sớm. Cùng với điện gió, việc sớm khởi công dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng và các nhà đầu tư tập trung mọi nguồn lực để thực hiện dự án theo đúng tiến độ, bảo đảm vận hành thương mại vào năm 2026-2027 tạo nên bước đột phá cho ngành công nghiệp năng lượng của tỉnh để sớm trở thành trung tâm năng lượng miền trung. Cùng với các dự án lớn này, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư (PPP) và giao UBND tỉnh Quảng Trị là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án. UBND tỉnh Quảng Trị đã hoàn chỉnh hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Cảng hàng không Quảng Trị trong thời gian sớm nhất. Đây là cơ sở quan trọng giúp UBND tỉnh Quảng Trị tiến hành các bước tiếp theo đúng quy định pháp luật nhằm đầu tư xây dựng cảng hàng không.
Ngoài ra, các dự án giao thông trọng điểm gồm đường ven biển kết nối hành lang kinh tế đông-tây giai đoạn I; dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 9 đoạn từ quốc lộ 1 đến cảng Cửa Việt; dự án nối đường Hồ Chí Minh nhánh đông với nhánh tây; dự án đường tránh quốc lộ 1 đang được xúc tiến những khâu cuối cùng để khởi công xây dựng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Trên đây là các dự án động lực, khi được triển khai xây dựng và hoàn thành sớm sẽ tác động tích cực đến làn sóng thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025.
Tăng cường thu hút đầu tư
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Tân cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, địa phương này tập trung thu hút các dự án đầu tư khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển với ba trụ cột chính công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ-du lịch. Trong giai đoạn 2021-2025, theo chủ trương của tỉnh, trước hết quan tâm kêu gọi đầu tư hạ tầng, xây dựng và phát triển trục kết nối các trọng điểm kinh tế; hình thành hành lang đường bộ từ cửa khẩu quốc tế La Lay về Mỹ Thủy kết nối với Lào-Thái Lan. Các dự án hạ tầng giao thông cần sớm đầu tư như dự án quốc lộ 15D, cảng biển Mỹ Thủy; cảng Cửa Việt bờ Nam; mở rộng quốc lộ 9 đoạn tránh phía Nam Đông Hà; đường ven biển; Cảng hàng không Quảng Trị; đường Hùng Vương nối dài giai đoạn III; đường từ Cảng hàng không Quảng Trị đến đường trung tâm Khu kinh tế đông nam Quảng Trị; nâng cấp tuyến giao thông Đông Hà-Lao Bảo theo hình thức PPP... Ngoài ra còn chú ý hạ tầng nông nghiệp và phát triển nông thôn; hạ tầng thương mại nông thôn. Đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các khu du lịch, điểm du lịch, hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp...
Cùng với đó là tập trung hỗ trợ và xử lý vướng mắc các dự án trọng điểm giai đoạn 2016-2020, đó là các dự án cảng biển Mỹ Thủy, dự án Nhiệt điện than 1320MW, dự án nhiệt điện khí 340MW. Tích cực theo dõi, hỗ trợ các đối tác, dự án trọng điểm của các nhà đầu tư lớn, có tính khả thi cao, như: tập đoàn T&T, tập đoàn Vingroup, tập đoàn FLC, tập đoàn Scavi, Công ty cổ phần Sam Holdings, Liên doanh VSIP-Amata-Sumitomo, Công ty cổ phần Trung Khởi… nhằm giải quyết nhanh các thủ tục liên quan, vướng mắc khi nhà đầu tư có quyết định đầu tư tại tỉnh. Nghiên cứu và có chính sách vận động thu hút đầu tư các đối tác, nhà đầu tư trọng điểm phù hợp với định hướng đầu tư của tỉnh như các quốc gia thành viên EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, tỉnh luôn đặt niềm tin vào các nhà đầu tư, cam kết hỗ trợ tối đa, đúng pháp luật để các đối tác hiện thực hóa dự án và đầu tư hiệu quả trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đối với các dự án trọng điểm cần được ưu tiên đầu tư nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư đến với Quảng Trị, cần thực hiện tốt hơn nữa cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện chỉ số PCI, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước. Việc đẩy mạnh cải cách hành chính sẽ tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tỉnh phấn đấu chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu của cả nước nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào Quảng Trị theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII.
Đại diện các nhà đầu tư dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng cũng như các nhà đầu tư đến Quảng Trị thời gian qua, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group cho biết, với môi trường đầu tư hấp dẫn, cơ chế thông thoáng, tỉnh Quảng Trị đang trở thành một trong những địa phương thu hút đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư phát triển.