Quảng Ninh tổng kết thực hiện Nghị quyết 54 và Kết luận số 13 của Bộ Chính trị

NDO - Ngày 11/7, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị phối hợp Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 và Kết luận số 13-KL/TW ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Chủ trì hội nghị có đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW; Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần thiết trong việc đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn tỉnh.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đưa Quảng Ninh phát triển trong giai đoạn tiếp theo, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh mong muốn hội nghị sẽ là dịp để Quảng Ninh được lắng nghe những ý kiến phân tích, đánh giá và góp ý của các đại biểu để không chỉ giúp Quảng Ninh hoàn thiện Báo cáo tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW và còn giúp Quảng Ninh có thêm những giải pháp, hướng đi phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh phù hợp, hiệu quả trong thời gian tới.

Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, biến động trên thế giới, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn duy trì ở mức cao hơn so với bình quân của Vùng và cả nước. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể; quy mô, tiềm lực nền kinh tế tăng lên rõ rệt, tiếp tục duy trì vị trí đứng đầu vùng đồng bằng Sông Hồng.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2005-2020 đạt hơn 453 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 16%/năm và luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có đóng góp cao nhất vào ngân sách cả nước. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được tăng cường. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh chuyển biến rõ nét. Các Nghị quyết của Đảng, của Hội đồng nhân dân tỉnh được triển khai bài bản, nghiêm túc; nhiều Nghị quyết, cơ chế, chính sách đã ban hành kịp thời, nâng cao chất lượng an sinh xã hội, phát huy hiệu quả, đi vào cuộc sống.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh toàn diện, liên tục, đồng bộ, quyết liệt gắn với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quốc phòng-an ninh được bảo đảm, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được mở rộng và đi vào chiều sâu. Gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW đánh giá cao trách nhiệm, sự lãnh đạo toàn diện của các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cá nhân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo, chuẩn bị tổ chức hội nghị chu đáo, chất lượng.

Báo cáo tổng kết của Tỉnh ủy Quảng Ninh đã bám sát các nội dung Nghị quyết 54-NQ/TW và yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra của Ban Chỉ đạo, đánh giá được việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai Nghị quyết của các cấp ủy đảng; có sự thống nhất cao từ tỉnh đến cơ sở và phân tích, làm rõ kết quả đạt được sau gần 17 năm thực hiện Nghị quyết. Đặc biệt các tham luận tại hội nghị rất chất lượng, toàn diện, sát thực tiễn giúp làm rõ sâu sắc hơn cho nội dung báo cáo tổng kết.

Đồng chí Trần Tuấn Anh cũng lưu ý, Trung ương, Bộ Chính trị rất quan tâm và kỳ vọng vào tỉnh Quảng Ninh vì vậy trong báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết cần cụ thể hơn nữa trong việc phân tích, đánh giá sâu sắc các mục tiêu, nội dung mà Bộ Chính trị đặt ra cho Quảng Ninh trong việc phát huy tiềm năng, thế mạnh để trở thành cực tăng trưởng của Vùng và cả nước trong tương lai; Phát triển nhanh, bền vững phải gắn với công tác bảo vệ tài nguyên môi trường, Quảng Ninh đã làm rất tốt việc chuyển đổi từ "nâu" sang "xanh" và cần tiếp tục duy trì kết quả này trong xu thế phát triển mạnh mẽ công nghiệp 4.0, công nghiệp chế biến, chế tạo, phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại gắn với bảo vệ môi trường. Quảng Ninh là địa phương đi đầu, chủ động trong triển khai liên kết vùng và điều này giúp cho Quảng Ninh trở thành là cực tăng trưởng ở phía bắc.

Về vấn đề chuyển đổi số, xã hội số, kinh tế số, Quảng Ninh cần phải quyết liệt hơn nữa, đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các đề án của lĩnh vực chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội tăng trưởng bền vững. Đồng chí Trần Tuấn Anh cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, các nguyên nhân và bài học kinh nghiệm và phân tích bối cảnh trong nước, quốc tế; những khó khăn, thách thức đối với Quảng Ninh trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.