Quảng Ninh: Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu kinh tế

NDO -

Quảng Ninh cần có giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu kinh tế theo hướng thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chú trọng hơn nữa công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh tế biển để nền kinh tế của Quảng Ninh thực sự có hiệu suất, chất lượng và có sức cạnh tranh mạnh mẽ.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu như trên tại kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trong ngày 15-7.

Kỳ họp đã tiến hành nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021; xem xét và quyết nghị một số nội dung quan trọng nhằm hoàn thành nhiệm vụ của năm 2021.

Dự kỳ họp có đồng chí: Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV.

Phát biểu tại kỳ họp, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ghi nhận và đánh giá cao tinh thần quyết liệt, sáng tạo, sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an sinh xã hội.

Đồng chí nhấn mạnh, thời gian tới, Quảng Ninh cần thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh trong trạng thái bình thường mới. Quảng Ninh phải trở thành cực tăng trưởng và trở thành vùng động lực của khu kinh tế trọng điểm phía bắc.

Đồng chí cũng lưu ý, Quảng Ninh cần thúc đẩy chuyển đổi số và nhận thức rằng chuyển đổi số không chỉ là nhiệm vụ mà còn là phương tiện tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao hiệu suất xã hội nói chung cũng như hiệu quả thực thi cải cách hành chính hiện nay. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế do các nhiệm kỳ trước đề ra. Thường xuyên quan tâm, cải thiện an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững cho người dân.

Quảng Ninh: Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu kinh tế -0
Quang cảnh kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội của Quảng Ninh gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng với sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, nhất là trong thực hiện “mục tiêu kép”; tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2021 đạt 8,02% (cùng kỳ tăng 4,26%), trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 38,95% cùng kỳ, là động lực tăng trưởng chính.

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, năm thứ tư liên tiếp đứng đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), năm thứ hai liên tiếp dẫn đầu các tỉnh, thành phố về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và năm đầu tiên dẫn đầu toàn quốc về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).

Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 23.125 tỷ đồng, bằng 45% dự toán, 97% kịch bản, trong đó thu nội địa đạt 18.123 tỷ đồng, bằng 46% dự toán, tăng 4% kịch bản.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định, kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền nhằm cụ thể hóa kịp thời các chủ trương Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh thành các nghị quyết của HĐND tỉnh về chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 cũng như hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021.