Theo đó, các ý kiến của doanh nghiệp chủ yếu liên quan đến việc điều chỉnh một số quy hoạch liên quan đến hạ tầng vận tải; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án đầu tư; công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm phòng cháy, chữa cháy tại các doanh nghiệp; đề nghị đầu tư năng lượng thay thế là điện mặt trời, gió, tái sử dụng nước thải tại các khu công nghiệp.
Doanh nghiệp trao đổi, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tại hội nghị. |
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã thẳng thắn nhận trách nhiệm, đồng thời đề nghị các ngành, đơn vị liên quan áp dụng tối đa công nghệ thông tin trong công tác quản lý.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, du khách. Không để xảy ra tình trạng sách nhiễu, tiêu cực trong quá trình giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số. Tiếp tục đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, từng dự án để góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký trực tiếp trả lời các kiến nghị, thắc mắc của doanh nghiệp tại hội nghị. |
Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đánh giá cao tinh thần thẳng thắn, cởi mở, trao đổi, góp ý, có trách nhiệm của các doanh nhân, cộng đồng các doanh nghiệp trên địa bàn để cùng nhau giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Đồng thời chia sẻ, tiếp thu những đề xuất, sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp, thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đồng thời khẳng định, tỉnh luôn đồng hành với các doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ tối đa những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bằng nhiều giải pháp thiết thực.
Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp năm 2023. |
Hiện nay, tỉnh đang tập trung nhiều nguồn lực, nỗ lực trong xây dựng hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn với những chính sách khuyến khích và hỗ trợ vượt trội, môi trường sống tốt, cung cấp các dịch vụ công có chất lượng cao. Vì vậy, các sở, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp phải luôn bắt nhịp và nhận diện kịp thời những mâu thuẫn trong thực tiễn quản lý, khó khăn, thách thức để cùng tỉnh tìm cách tháo gỡ.
Đặc biệt, tiếp tục củng cố niềm tin từ tỉnh đến cơ sở, giải quyết với tư duy “chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ”, mạnh dạn thí điểm áp dụng những mô hình quản trị mới; đề cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện, coi vướng mắc của doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng của đơn vị để tìm cách tháo gỡ và có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và lấy “đầu tư công làm vốn mồi, dẫn dắt, kích hoạt đầu tư ngoài xã hội.
Tỉnh Quảng Ninh hiện có 10.756 doanh nghiệp, 408 hợp tác xã và 32.951 hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước; tỷ lệ vốn trên doanh nghiệp đạt 17 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 5,5 tỷ đồng so năm 2015 cho thấy năng lực của doanh nghiệp đã tăng lên đáng kể và đã phát triển theo hướng bền vững.
Sự phục hồi, phát triển của doanh nghiệp đã góp phần quan trọng để Quảng Ninh hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch của cả năm 2023. Điều này được khẳng định bằng kết quả phát triển kinh tế, xã hội quý I/2023 tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tăng trưởng tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 8,06% và Quảng Ninh năm thứ 6 liên tiếp giữ vị trí quán quân về chỉ số PCI (từ năm 2017-2022), dẫn đầu các chỉ số PAR-Index, SIPAS, PAPI.