Báo cáo của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh nêu rõ: Trong 10 tháng năm 2022, tỉnh Quảng Ninh vẫn kiên trì giữ vững địa bàn an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới, thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, thực hiện tốt “mục tiêu kép”, giữ vững đà tăng trưởng GRDP hơn hai con số trong trong 6 năm liên tiếp 2016-2021 và dự báo cả năm 2022. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 10 tháng đạt 44.870 tỷ đồng, tăng 19% cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 32.470 tỷ đồng, tăng 13% cùng kỳ. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện dự toán chi ngân sách địa phương còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém, tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển, triển khai các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm không đạt yêu cầu đề ra.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: Thời gian kết thúc năm 2022 không còn nhiều, vì vậy yêu cầu các cấp, các ngành phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của tỉnh đặt ra, bảo đảm cân đối, hài hòa giữa các lĩnh vực, vùng miền trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở để bố trí, phân bổ vốn, đồng thời, xây dựng cơ chế giám sát cụ thể, tuyệt đối không đặt ra các tiêu chí, nội dung, dự án tiềm ẩn nguy cơ gây lãng phí, thất thoát, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, tạo cơ chế “xin-cho”, “trên cấp-dưới duyệt”.
Theo đó, tỉnh Quảng Ninh phải tính toán tổng thể đến tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách, giữ vai trò chủ đạo của ngân sách cấp tỉnh trong đầu tư công, mức dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn hợp lý và số lượng dự án khởi công mới của cả giai đoạn bảo đảm tập trung, không phân tán, dàn trải, trong khả năng thực hiện để bảo đảm tỷ lệ giải ngân và số lượng dự án hoàn thành trong cả giai đoạn 2021-2025 theo đúng chỉ đạo của Trung ương, đồng thời bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý giữa các ngành, lĩnh vực, giữa ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện, giữa các vùng, miền.
Đối với các dự án, công trình mới bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 phải bảo đảm đủ điều kiện, trình tự, thủ tục theo quy định, được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư. Việc hỗ trợ đầu tư cho các địa phương phải bảo đảm theo phân cấp ngân sách, phân cấp nhiệm vụ đầu tư; hài hòa giữa các vùng miền, khu vực trên nguyên tắc ưu tiên cho những địa phương chưa tự cân đối ngân sách, còn nhiều địa bàn khó khăn, vùng dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo bảo đảm thống nhất, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng.
Tại kỳ họp thứ XI, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết về chính sách trợ giúp pháp lý tại các xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025 và Nghị quyết về chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đây là những Nghị quyết có ý nghĩa bảo đảm an sinh xã hội, góp phần nâng cao chất lượng sống cho nhân dân.