Bão số 4 quét qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi làm 31 nhà bị sập hoàn toàn; 1.276 nhà ở, 33 điểm trường học và 3 cơ sở y tế bị tốc mái, hư hỏng; nhiều tuyến đường giao thông, đập dâng bị hư hỏng. Tổng thiệt hại do bão số 4 gây ra khoảng 92,5 tỷ đồng. Điều đáng mừng, trên địa bàn tỉnh không xảy ra thiệt hại về người trong bão.
Theo lãnh đạo các địa phương, một trong những kinh nghiệm ứng phó với bão, lũ là chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó. Tùy theo mức độ của bão, lũ mà vận dụng các kịch bản phù hợp. Khi có bão lũ thì tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân kịp thời nắm thông tin và nhận thấy được sự nguy hiểm của bão, lũ để đồng thuận với chính quyền địa phương trong việc di dời, sơ tán khi cần thiết. Nhiều địa phương các huyện miền núi cũng đã chủ động lập trạm chỉ huy tiền phương ở các xã, khu vực xa trung tâm, nguy cơ bị chia cắt do sạt lở núi, mưa, lũ và cử một lãnh đạo huyện trực tiếp chỉ huy tại hiện trường.
Tại cuộc họp, các địa phương kiến nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ phương tiện ghe, thuyền; tập huấn công tác cứu hộ, cứu nạn và đặc biệt là kinh phí hỗ trợ cho lực lượng xung kích tại địa phương.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Phước Hiền đánh giá cao công tác chủ động ứng phó với bão, lũ ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua công tác ứng phó với bão số 4, các cấp, ngành, địa phương đã chủ động triển khai quyết liệt các hoạt động ứng phó rất hiệu quả, nhất là công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, kêu gọi, sắp xếp tàu thuyền, di dời sơ tán dân đến nơi an toàn.
Lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp xuống hiện trường để chỉ đạo công tác ứng phó và động viên người dân di dời, sơ tán. Trong bão, tỉnh yêu cầu người dân ở đâu thì ở yên đó, không đi ra đường để bảo đảm an toàn tính mạng, trừ các lực lượng trực tiếp tham gia làm nhiệm vụ công tác phòng, chống thiên tai. Sau bão, tập trung khắc phục hệ thống lưới điện, nước sinh hoạt, giao thông, vệ sinh môi trường và thông tin liên lạc bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành kịp thời của các cấp ủy Đảng và chính quyền.
“Với mục tiêu bảo đảm tuyệt đối an toàn về tính mạng, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước, tỉnh luôn xác định phòng chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, khi có thiên tai là cả xã hội vào cuộc với trách nhiệm cao nhất”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Phước Hiền nhấn mạnh, đồng thời nhận định bão, lũ diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Do vậy, thời gian đến các địa phương phải linh hoạt, chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó sát với tình hình thực tế để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, tránh, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do bão, lũ gây ra.