Quảng Ngãi nỗ lực thu hút đầu tư

Với mục tiêu xây dựng Quảng Ngãi trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, thuận lợi, minh bạch, an toàn, thời gian qua, song song với việc cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tháo gỡ điểm nghẽn cho doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ngãi còn chủ động kết nối, hỗ trợ và hướng dẫn thủ tục cho các nhà đầu tư. Nhờ đó, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư của tỉnh có nhiều khởi sắc, góp phần tạo lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Các dự án đầu tư tại Quảng Ngãi góp phần tạo lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế.
Các dự án đầu tư tại Quảng Ngãi góp phần tạo lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế.

Chủ động kết nối với nhà đầu tư

Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Quảng Ngãi, nắm bắt cơ hội các doanh nghiệp FDI đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam, từ đầu năm 2023 đến nay, Quảng Ngãi đã chủ động kết nối, tổ chức công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm quảng bá, xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp hai nước này đầu tư vào tỉnh.

Ðặc biệt, thông qua kết nối với Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải (Trung Quốc), Quảng Ngãi đã chủ động, tích cực liên hệ và hướng dẫn Công ty trách nhiệm hữu hạn phần cứng và nhựa đa dạng Côn Sơn chuyên sản xuất và cung ứng các sản phẩm đúc thổi tìm hiểu nghiên cứu môi trường đầu tư tại tỉnh.

Bên cạnh việc xúc tiến, kêu gọi thu hút vốn đầu tư FDI, tỉnh còn tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước. Tỉnh đã ký bảng ghi nhớ với Công ty trách nhiệm hữu hạn VSIP Quảng Ngãi để mở rộng dự án VSIP II và trao quyết định chủ trương đầu tư cho dự án Nhà máy sản xuất thép dây cuộn chất lượng cao Hòa Phát Dung Quất của Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất.

Nguyễn Văn Trọng, Phó Giám đốc phụ trách, điều hành Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Quảng Ngãi

“Dự kiến từ nay đến cuối năm 2023, Quảng Ngãi sẽ xúc tiến hỗ trợ khoảng 25-30 nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh vào các lĩnh vực như: hạ tầng khu công nghiệp, các sản phẩm sau thép, khu dân cư, đô thị, y tế, môi trường, du lịch, dịch vụ, thương mại”, ông Nguyễn Văn Trọng thông tin.

Ðối với các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại khu kinh tế, khu công nghiệp, tỉnh đưa ra các quyết sách nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư. Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết kịp thời 26 nội dung kiến nghị của 14 doanh nghiệp, bảo đảm tiến độ và đã tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp tục yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Thông qua đổi mới tư duy trong việc xúc tiến, thu hút đầu tư, tỉnh Quảng Ngãi đã bước đầu khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững. Ðến thời điểm này, địa bàn tỉnh có 66 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư hơn 2.050 triệu USD và 648 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư hơn 369,2 nghìn tỷ đồng.

Ưu tiên thu hút dự án có tính lan tỏa

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Ðặng Văn Minh, để tăng cường gắn kết với các địa phương lân cận vùng kinh tế trọng điểm miền trung, với các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nhằm nâng cao năng lực, tận dụng nội lực và ngoại lực của các địa phương trong vùng, bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội vùng bền vững theo tinh thần Nghị quyết 57/NQ-CP ngày 21/4/2022 của Chính phủ, thời gian tới, Quảng Ngãi sẽ ưu tiên kêu gọi thu hút đầu tư đối với những dự án lớn, những dự án có tính lan tỏa mạnh mẽ, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng và địa phương, tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững.

Với quan điểm nêu trên, nhằm phát huy cao nhất lợi thế, tiềm năng của tỉnh Quảng Ngãi và Khu kinh tế Dung Quất, định hướng trong công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh sẽ ưu tiên sàng lọc và nâng cao chất lượng các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh; chú trọng thu hút những dự án mà tỉnh đang cần, đặc biệt trong các lĩnh vực: y tế, môi trường, thương mại, dịch vụ và công nghiệp hỗ trợ để phát triển kinh tế tuần hoàn; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đồng bộ, hiện đại, tạo động lực phát triển; đẩy mạnh phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ðồng thời, xây dựng và hình thành nhận thức “hợp tác cùng phát triển”, tăng cường kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ, hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước và nâng cao năng lực cạnh tranh của từng ngành, từng doanh nghiệp.

“Vấn đề cốt lõi trong thu hút đầu tư là bảo đảm cân đối lợi ích của các bên đầu tư với lợi ích của Nhà nước và nhân dân trong hoạt động hợp tác đầu tư trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, tuân thủ điều kiện phát triển bền vững và an ninh, quốc phòng”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Ðặng Văn Minh nhấn mạnh và cho biết thêm, bám sát quan điểm, mục tiêu đã đề ra, tỉnh sẽ tập trung xúc tiến đến những quốc gia và vùng lãnh thổ có lợi thế công nghiệp phù hợp lợi thế so sánh của tỉnh và đang có nguồn vốn đầu tư mạnh vào Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Ðài Loan (Trung Quốc), Mỹ và các đối tác là thành viên của Hiệp định CPTPP, EVFTA... cho các dự án công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ và công nghiệp phụ trợ; chú trọng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến để thu hút đầu tư từ Mỹ và các nước châu Âu...