Quảng Nam tìm ra những hạn chế và giải pháp thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển

NDO - Dù tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 11,2%, thuộc nhóm các tỉnh có mức tăng trưởng cao nhất của cả nước; thu ngân sách nhà nước tăng 40% so cùng kỳ năm trước, nhưng Quảng Nam vẫn quyết tâm tìm ra những ưu điểm, hạn chế và giải pháp thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển…
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh kỳ họp thứ 12 Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam.
Quang cảnh kỳ họp thứ 12 Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam.

Ngày 7/12, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức kỳ họp thứ 12 để đánh giá kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, chỉ rõ những ưu điểm, mặt hạn chế, phân tích nguyên nhân và đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2023; kế hoạch tài chính-ngân sách 3 năm (2023-2025) và xem xét báo cáo công tác năm của các cơ quan liên quan.

Từ đầu năm đến nay, Hội đồng nhân dân tỉnh đã tổ chức thành công 7 kỳ họp thường lệ và chuyên đề; đã ban hành 84 nghị quyết trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh và đã tổ chức 10 đoàn giám sát chuyên đề; qua đó góp phần phát huy các mặt đã đạt được, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm trên một số lĩnh vực.

Tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua nhiều đề án, nghị quyết quan trọng, quyết định cho sự phát triển năm sau và những năm tiếp theo. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã phối hợp chặt chẽ Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và các cơ quan hữu quan chuẩn bị chu đáo các nội dung trình cho kỳ họp thứ mười hai.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh cho biết, năm 2022, trước bối cảnh bị ảnh hưởng từ các biến động của tình hình khu vực và thế giới, thiên tai, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường; giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao, đã tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Song, hệ thống chính trị toàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để ổn định đời sống, bảo vệ sức khoẻ nhân dân; phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đạt kết quả khá tốt trên các lĩnh vực, ước đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu đề ra trong năm 2022.

Quảng Nam tìm ra những hạn chế và giải pháp thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển ảnh 1

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường phát biểu khai mạc kỳ họp.

Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng GRDP dự kiến tăng 11,2% (cao hơn năm 2021: 5,04%) thuộc nhóm các tỉnh có mức tăng trưởng cao nhất của cả nước. Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện là 32.144 tỷ đồng, đạt 135,6% dự toán, tăng 40% so cùng kỳ năm 2021; trong đó, thu nội địa ước thực hiện 25.210 tỷ đồng, đạt 132,7% dự toán. Hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được chú trọng.

Công tác chăm lo các đối tượng chính sách và an sinh xã hội được quan tâm thường xuyên; lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường cơ bản được duy trì và có nhiều chuyển biến tích cực; công tác quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Đồng chí Phan Việt Cường cho rằng, những kết quả đạt được trong năm 2022, đã tạo thêm tiền đề thuận lợi, thời cơ để kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều thách thức: đời sống của một bộ phận nhân dân vẫn còn khó khăn, nhất là đồng bào miền núi; công tác lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung của một số địa phương còn chậm; tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm chưa bảo đảm; tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia triển khai còn nhiều khó khăn, hạn chế; giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra; công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa tốt; khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai còn phức tạp, kéo dài ở một số địa phương…

Những kết quả đạt được trong năm 2022, đã tạo thêm tiền đề thuận lợi, thời cơ để kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường

Tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với 70 báo cáo, tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; trọng tâm là thảo luận đánh giá kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, chỉ rõ những ưu điểm, mặt hạn chế, phân tích nguyên nhân và đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2023 và kế hoạch tài chính-ngân sách 3 năm (2023-2025) và xem xét báo cáo công tác năm của các cơ quan liên quan.

Cũng tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ xem xét quyết định các nội dung có tác động quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh như: Kế hoạch đầu tư công năm 2023; đẩy mạnh phân cấp trong quản lý nhà nước tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2026; cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình, dự án khác; Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030; mức chi thực hiện lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông; quyết định tổng biên chế công chức, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh và một số nội dung quan trọng khác thuộc thẩm quyền.

Kỳ họp cũng dành thời gian thỏa đáng để đại biểu thảo luận, kết hợp thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn, dự kiến sẽ tập trung vào các vấn đề như: công tác quản lý, bảo vệ rừng, xây dựng nông thôn mới; quản lý đầu tư lưới điện nông thôn; quản lý nhà nước về thương mại, xăng dầu; lao động, việc làm, đào tạo nghề; hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và một số vấn đề khác có liên quan. Đồng thời, nghe lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành trao đổi, giải trình các vấn đề đại biểu yêu cầu, dư luận quan tâm và trả lời ý kiến cử tri sau kỳ họp thứ chín.

Ngoài ra, kỳ họp còn xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về Tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố sau sắp xếp, sát nhập theo Nghị quyết số 42/NQ-Hội đồng nhân dân ngày 6/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh; báo cáo kết quả giám sát chuyên đề chung của các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh về tình hình chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường tại các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.

Kỳ họp này kéo dài đến ngày 9/12, dự kiến sẽ thông qua 25 nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng, an ninh và một số nội dung liên quan khác.