Quảng Nam thực hiện nghiêm các quy định về chống khai thác IUU

NDO - Là địa phương có nhiều lợi thế về biển, khai thác phát triển thủy sản được Quảng Nam xác định là ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng được hết sức chú trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Phát triển kinh tế biển ở Quảng Nam tuân thủ các quy định chống khai thác IUU
Phát triển kinh tế biển ở Quảng Nam tuân thủ các quy định chống khai thác IUU

Ngày 23/2/2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 339/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu đặt ra là: khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển thủy sản theo hướng hiện đại, trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; kết hợp phát triển kinh tế với xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển vững mạnh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên các vùng biển đảo của Tổ quốc.

Hiện nay khai thác thủy sản đã giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 lao động tại địa phương, trong đó 13.000 người khai thác trực tiếp trên biển và khoảng 2.000 lao động trên bờ làm nghề dịch vụ, thu mua.

Toàn tỉnh Quảng Nam có 9 nghiệp đoàn nghề cá với 720 tàu/4.879 lao động; 158 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển với 1.040 tàu/8.063 lao động tham gia đã góp phần hỗ trợ sản xuất, cứu nạn, cứu hộ khi có tai nạn, thiên tai trên biển.

Cùng với việc đẩy mạnh, phát triển khai thác thủy sản, công tác triển khai thực hiện chống khai thác IUU tại Quảng Nam được hết sức chú trọng.

Thời gian qua, chính quyền địa phương các cấp và ngành chức năng (Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quân,...) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vấn đề chống khai thác IUU đến tất cả các chủ phương tiện và các thuyền viên tham gia khai thác thủy sản trên biển nhằm tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhân dân về ý thức tôn trọng, chấp hành quy định pháp luật của Việt Nam và các nước trong khu vực về khai thác thủy sản trên biển. Qua đó, vận động nhân dân, đặc biệt là ngư dân tích cực hưởng ứng chống khai thác IUU, nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Tập trung tuyên truyền trong nhân dân, nhất là ngư dân về Luật Biển Việt Nam; Luật Thủy sản năm 2017; Chỉ thị số 45/CT-TTg, ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU tại tỉnh; Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản…

Cùng với đó, ngành chức năng phối hợp với các đơn vị có liên quan và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền Chỉ thị, Nghị quyết của tỉnh về tăng cường các giải pháp quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái pháp luật; các giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của châu Âu về chống khai thác IUU tại tỉnh.

Ngành chức năng và địa phương phối hợp thông tin tuyên truyền các vùng biển được phép đánh bắt, vùng biển chồng lấn giữa các quốc gia; thông tin kịp thời việc xử lý các vụ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về khai thác IUU theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Tuyên truyền thường xuyên thông qua các tin, bài viết, phóng sự, chuyên mục trên các phương tiện truyền thông và hệ thống thông tin cơ sở, trên các ấn phẩm như: Sổ tay, tờ rơi, tờ gấp… Tổ chức các lớp tập huấn kiến thức pháp luật cho chủ phương tiện, ngư dân tại các huyện có nhiều phương tiện khai thác thủy sản. Tuyên truyền thông qua các hội nghị, những buổi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội, hoạt động của Hội nghề cá, Nghiệp đoàn Nghề cá của tỉnh.

Công tác ngăn chặn chấm dứt tàu cá khai thác bất hợp pháp vi phạm vùng biển nước ngoài cũng được Quảng Nam hết sức chú trọng.

Từ đầu năm 2023 đến nay, một số trường hợp vi phạm ranh giới được phép khai thác đều đã được cơ quan chức năng tìm hiểu, xác minh. Những sai phạm được chứng minh đã bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đối với một số tàu cá trong quá trình khai thác thủy sản đã vô tình vượt ra ngoài ranh giới cho phép trên biển, sau khi được cảnh báo từ lực lượng chức năng, các chủ tàu có dấu hiệu vi phạm đã nhanh chóng rời khỏi vùng biển thuộc khu vực cảnh báo và quay về vùng biển Việt Nam tiếp tục hoạt động sản xuất hoặc trở về bờ theo đúng quy định.

Để thực hiện nghiêm quy định về chống khai thác IUU tại Quảng Nam, các giải pháp được địa phương đề ra trong thời gian tới đó là: Tăng cường công tác thông tin truyên truyền đến chủ tàu, thuyền trưởng và thuyền viên trên toàn tỉnh nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; áp dụng chế tài xử phạt nặng tàu cá vi phạm khai thác IUU; thường xuyên thông báo, cảnh báo các tàu cá có nguy cơ cao, đặc biệt là nhóm tàu câu mực khơi có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài đến các địa phương ven biển và các lực lượng chức năng liên quan phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ, xử lý các tàu các vi phạm và có dấu hiệu vi phạm; tập trung cao điểm xử phạt các hành vi vi phạm IUU.