Trong kháng chiến, xứ Quảng là vùng đất bị tàn phá nặng nề, thiệt hại, mất mát sau chiến tranh rất lớn. Quảng Nam là một trong những địa phương trong cả nước có nhiều đối tượng chính sách. Toàn tỉnh có khoảng 47.800 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, chiếm đến 23% số dân của tỉnh.
Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Quảng Nam Trương Thị Lộc cho biết, từ sau ngày quê hương giải phóng, nhất là từ khi tái lập tỉnh (năm 1997) đến nay, cùng với tập trung rà soát, xác nhận, giải quyết kịp thời các chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân, Quảng Nam luôn quan tâm đến việc đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà ở người có công với cách mạng. Qua đó, ổn định "nơi ăn, chốn ở"; góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người có công trên địa bàn tỉnh.
Những ngày gần đây, tại các địa phương trong tỉnh diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa hướng đến kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023). Dịp này, VietinBank đã tổ chức lễ trao 40 căn nhà tình nghĩa tặng gia đình chính sách tại các huyện: Thăng Bình, Hiệp Ðức và Ðại Lộc, với kinh phí hỗ trợ 70 triệu đồng/nhà. Tại lễ trao tặng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thăng Bình Võ Văn Hùng chia sẻ, việc trao những căn nhà tình nghĩa lần này đã giúp cho các địa phương có điều kiện cải thiện nhà ở cho các đối tượng chính sách, góp phần ổn định cuộc sống người có công với cách mạng.
Cùng với nguồn hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, hằng năm, tỉnh Quảng Nam đã dành một nguồn ngân sách đáng kể để đầu tư xây mới, sửa chữa nhà cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Qua bốn năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/2019/NQ-HÐND (ngày 3/10/2019) của Hội đồng nhân dân tỉnh, đến nay, công tác hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng đạt được những kết quả đáng kể.
Hiện tại có 12.511 nhà ở (gồm xây mới 3.417 nhà, sửa chữa 9.094 nhà) người có công với cách mạng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, với tổng kinh phí hơn 267 tỷ đồng. Hầu hết nhà ở người có công được xây dựng kiên cố, khang trang. Ðáng chú ý, từ khi có Nghị quyết 11/2019/NQ-HÐND của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành đã tác động tích cực, tạo động lực, khích lệ các hộ gia đình người có công với cách mạng tranh thủ nguồn hỗ trợ và lồng ghép nguồn kinh phí của gia đình, tộc họ và các tổ chức, cá nhân để sửa chữa, cải thiện nhà ở kiên cố, góp phần thực hiện tốt các chính sách cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, công tác hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Việc thống kê, rà soát người có công có nhu cầu nhà ở tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, nguồn ngân sách tỉnh cấp chưa kịp thời, nên vẫn còn 257 nhà đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa được hỗ trợ kinh phí... Theo lý giải của các địa phương, công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở đối với người có công chưa đạt kế hoạch đề ra là do trong quá trình triển khai đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, kéo dài. Hơn nữa, tình hình giá cả vật liệu, nhân công xây dựng đều tăng cao, trong khi đó mức hỗ trợ còn thấp cho nên rất khó khăn đối với các hộ gia đình sửa chữa, xây mới nhà ở khi không có nguồn hỗ trợ khác.
Ðể khắc phục những hạn chế, sớm hoàn thành nhà ở đối với người có công với cách mạng, mới đây, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết về "Một số giải pháp thực hiện cải thiện nhà ở cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam", với nguồn ngân sách tỉnh bố trí 346 tỷ đồng. Theo đó, Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát; khẩn trương bố trí đủ kinh phí cho các địa phương để hoàn thành hỗ trợ các nhà đã hoàn thành; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Ðồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị các địa phương rà soát, thống kê đối tượng chính sách, người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở trên địa bàn toàn tỉnh. Trên cơ sở đó, ưu tiên những đối tượng thuộc danh sách phê duyệt nhưng đến nay chưa triển khai. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể đối với công tác "Ðền ơn đáp nghĩa".
Với nhiều nguồn lực, từ nay đến năm 2025, Quảng Nam phấn đấu hoàn thành việc hỗ trợ xây mới, sửa chữa hơn 8.700 nhà ở cho người có công nhằm sớm giúp họ có nhà ở, ổn định cuộc sống. Trước hết, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ cân đối nguồn lực để sớm hỗ trợ đối với số nhà ở đã xây dựng hoàn thành trong thời gian qua nhưng chưa nhận được kinh phí. "Các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong và ngoài tỉnh hãy tiếp tục quan tâm, làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, chung sức giúp đỡ các gia đình người có công khắc phục khó khăn, cải thiện đời sống", Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường kêu gọi.
Tỉnh Quảng Nam hiện có hơn 65.470 liệt sĩ, hơn 30.700 thương binh, bệnh binh; hơn 45.500 người có công với cách mạng, 11.800 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; hơn 6.300 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 15.332 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó có 406 mẹ còn sống...