Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Trí Thanh chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương chủ động huy động lực lượng hỗ trợ người dân nhanh chóng sửa chữa lại nhà cửa bị hư hại; hỗ trợ các hộ khó khăn ổn định đời sống; khắc phục sự cố sạt lở và triển khai bảo đảm an toàn giao thông.
Đồng chí Lê Trí Thanh cũng đề nghị các cơ quan chức năng, các địa phương hỗ trợ lực lượng, phương tiện tham gia cùng với Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế, các đơn vị điện lực thu dọn cây cối ngã đổ vào đường dây để ngành điện tập trung dựng cột, xử lý dứt điểm, sớm khôi phục, cấp điện trở lại cho nhân dân.
Tối 28/9, thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết, từ sáng ngày 27/9 đến sáng ngày 28/9, do ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số 4 nên các địa phương trong tỉnh có mưa lớn diện rộng.
Tổng lượng mưa các địa phương vùng đồng bằng ven biển và vùng núi phía nam tỉnh phổ biến từ 250-400mm, có nơi cao hơn 400mm như: trạm đo mưa Tiên Phước (huyện Tiên Phước) 471mm, trạm đo mưa Núi Thành (huyện Núi Thành) 512mm, trạm thủy văn Hiệp Đức (huyện Hiệp Đức) 414mm, trạm khí tượng Tam Kỳ (thành phố Tam Kỳ) 436mm, vùng núi phía tây bắc phổ biến từ 160-260mm.
Hiện nay, lũ trên sông Vu Gia đã đạt đỉnh và đang xuống chậm; thượng lưu sông Thu Bồn đã xuống, hạ lưu đang lên chậm; trên sông Tam Kỳ đang lên chậm.
Theo báo cáo từ các địa phương, có 41 người bị thương trong mưa bão (gồm Duy Xuyên: 6, Quế Sơn: 2, Đại Lộc: 10, Điện Bàn: 12, Thăng Bình: 4, Hiệp Đức: 3, Nông Sơn: 2, Tiên Phước: 1 và Đông Giang: 1), có 64 nhà bị sập hơn 70%, 1.150 nhà bị hư hại, tốc mái; 21 trường học bị tốc mái, hư hỏng; 7 trụ sở làm việc trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại.
Về nông nghiệp, có 229ha diện tích lúa, 346ha hoa màu, 671ha cây lâu năm, 1.579ha cây hằng năm, 770ha rừng, 400 cây xanh bị hư hại, ngã đổ; 1.665 con gia súc, 755 con gia cầm bị thiệt hại.
Mưa bão đã làm 1 công trình thủy lợi huyện Quế Sơn bị hư hỏng, cuốn trôi; 350m bờ sông bị sạt lở tại huyện Nam Giang và Duy Xuyên; 800m bờ biển bị sạt lở tại huyện Duy Xuyên và thành phố Hội An;
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, tại xã Tam Quang (huyện Núi Thành) có 2 phương tiện đang neo đậu bị chìm; tại Tam Hải (huyện Núi Thành) có 2 tàu câu mực bị chìm và tại Âu thuyền Hồng Triều (huyện Duy Xuyên) có 1 tàu lưới vay bị chìm.
Mưa bão làm tuyến đường Hồ Chí Minh qua huyện Đông Giang, Tây Giang bị sạt lở tại nhiều vị trí. Ngoài ra, nhiều tuyến đường giao thông ở các huyện miền núi như: Phước Sơn, Đông Giang, Tây Giang, Nam Trà My, Quế Sơn, Hiệp Đức, Phú Ninh, Tiên Phước bị sạt lở… gây ách tắc giao thông.
Trong ngày 28/9, ngành giao thông đã phối hợp các địa phương huy động phương tiện, lực lượng tập trung khắc phục các điểm sạt lở để người dân và các phương tiện đi lại. Hiện còn nhiều tuyến đường do sạt lở lớn, trời đang mưa lớn, chưa thể khắc phục được, nên còn ách tắc giao thông.
Công ty Điện lực Quảng Nam khẩn trương khắc phục hệ thống điện. |
Để sớm cung cấp điện lại cho người dân, trong ngày 28/9, các đơn vị thi công lưới điện và các chủ phương tiện vận chuyển tăng cường 270 công nhân và 65 xe nâng-cẩu-tải, xe múc, 120 cưa máy; chính quyền cấp xã hỗ trợ nhân lực khắc phục thiệt hại lưới điện sau bão.
Trong ngày 28/9, Công ty Điện lực Quảng Nam đã khôi phục cấp điện trung tâm hành chính các huyện, thị xã, thành phố; riêng tại khu trung tâm 2 huyện Đông Giang và Tây Giang chưa thể khôi phục.
Tính đến chiều 28/9, Quảng Nam đã khôi phục và cấp điện trở lại ở cho 35.000 khách và hiện còn hàng trăm nghìn hộ dân trong tỉnh vẫn chưa được cấp điện trở lại…