Quảng Nam điều chuyển, cắt giảm vốn các công trình chậm giải ngân

NDO -

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại Quảng Nam trong nhiều tháng qua diễn ra chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn so với bình quân chung cả nước. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Quảng Nam đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, sẽ kiên quyết điều chuyển, cắt giảm nguồn vốn đối với những công trình, dự án tiêu không hết tiền.

Khẩn trương thi công tuyến nối từ đường ven biển 129 lên quốc lộ 1A.
Khẩn trương thi công tuyến nối từ đường ven biển 129 lên quốc lộ 1A.

Tiền không tiêu hết

Tình hình chậm giải ngân vốn đầu tư công ở Quảng Nam kéo dài trong nhiều tháng qua, nhưng chưa được khắc phục kịp thời. Việc tiền không tiêu hết, ứ đọng trong két bạc không chỉ ảnh hưởng đến công tác điều hành ngân sách, lãng phí nguồn lực mà còn làm cho nguồn vốn đầu tư không được phát huy hiệu quả như mong muốn.

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh Quảng Nam đã giải ngân 1.927 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 29% kế hoạch; trong đó, vốn năm 2021 giải ngân được 1.257 tỷ đồng, đạt 28% kế hoạch.

Qua rà soát cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, kho bạc chủ yếu giải ngân vốn cho các công trình chuyển tiếp và thanh toán khối lượng, hoàn thiện các hạng mục san lấp mặt bằng khu tái định cư, thông đường, phục hồi các vùng sạt lở do bão lũ gây ra.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam, việc giải ngân chậm là do, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại nhiều địa phương còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Mặt khác, do thời gian hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục của các chủ đầu tư chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đốc thúc các địa phương, chủ đầu tư và các nhà thầu, nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn tăng chậm và dưới mức bình quân chung cả nước. Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Nam Trần Phước Tào cho biết, đến giữa tháng 9/2021, toàn tỉnh đã giải ngân khoảng 3.300 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đạt 46% kế hoạch; trong đó, vốn kế hoạch năm 2021 giải ngân được 2.180 tỷ đồng, đạt 43%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân chung cả nước.

Đáng lưu ý, nguồn ngân sách tỉnh đến nay mới giải ngân khoảng 540 tỷ đồng, đạt 28% kế hoạch năm. Còn nguồn ngân sách cấp huyện đã giải ngân hơn 1.560 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch; trong đó, các địa phương như: Tam Kỳ, Núi Thành, Phước Sơn, Nông Sơn có tỷ lệ giải ngân dưới 40% kế hoạch năm 2021.

Quảng Nam kiên quyết điều chuyển, cắt giảm vốn các công trình chậm giải ngân -0
 Đường ven biển 129, đoạn qua huyện Núi Thành thi công chậm do vướng mặt bằng.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, trước tình hình giải ngân thấp, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan và địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục quyết toán các công trình hoàn thành để giải ngân theo kế hoạch vốn. Đối với các dự án chậm tiến độ, sẽ thực hiện rà soát, cắt giảm, điều chuyển và bố trí cho các dự án bảo đảm khối lượng, cần vốn thanh toán.

Trong tháng 8/2021, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tiến hành rà soát điều chuyển hơn 112,6 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh để bổ sung cho các dự án đã quyết toán, hoàn thành và các dự án đang triển khai đã có khối lượng, có nhu cầu giải ngân vốn. Trong đó, gồm 48,5 tỷ đồng vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021 và hơn 64 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2021.

Trước đó, trong tháng 7, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã rà soát, điều chuyển hơn 90,8 tỷ đồng vốn ngân sách đã phân bổ để bổ sung cho các dự án đã quyết toán, hoàn thành, các dự án đang triển khai đã có khối lượng, có nhu cầu giải ngân vốn ngay khi được bổ sung.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhìn nhận, việc giải ngân chậm, ngoài lý do khách quan do ảnh hưởng của dịch Covid-19, còn có nguyên nhân do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quyết tâm, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Do vậy, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ ở địa phương; xem đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của tập thể, cá nhân liên quan.

“Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả giải ngân vốn đầu tư công hằng năm đối với các chương trình, dự án do đơn vị, địa phương mình quản lý”, đồng chí Phan Việt Cường lưu ý.

Quảng Nam kiên quyết điều chuyển, cắt giảm vốn các công trình chậm giải ngân -0
 Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường kiểm tra tiến độ thi công, giải ngân các công trình tại vùng đông của tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ  giải ngân vốn đầu tư công. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên lãnh đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát để xử lý các tồn tại, vướng mắc trong đầu tư công. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân đạt 95 - 100% vốn đầu tư công năm 2021; trong đó, đến hết quý III năm 2021, giải ngân tối thiểu 60% kế hoạch.

Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư xây dựng và công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; tăng cường phân quyền, ủy quyền trong thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Đồng thời chỉ đạo các chủ đầu tư tổ chức rà soát, đấu thầu, đánh giá, lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín, có chất lượng để thực hiện các nhiệm vụ của dự án, tránh tình trạng phải bổ sung, điều chỉnh hồ sơ dự án nhiều lần, ảnh hưởng tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn và chất lượng dự án.

UBND tỉnh khẩn trương phân bổ hết các nguồn vốn, kiên quyết điều chuyển, cắt giảm kế hoạch vốn từ các công trình, dự án không có khả năng giải ngân hoặc giải ngân không đạt tiến độ để bổ sung cho các công trình, dự án giải ngân cao, có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn, các dự án đã quyết toán hoàn thành và các dự án có nhu cầu thanh toán nợ khối lượng, giải phóng mặt bằng và các dự án ngân sách tỉnh đang nợ khối lượng xây dựng cơ bản theo đúng quy định của Chính phủ.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, để mục tiêu giải ngân đạt 95%-100% vốn đầu tư công năm 2021, tới đây, UBND tỉnh sẽ tiếp tục điều chuyển, cắt giảm vốn đối với các dự án chậm tiến độ. Cụ thể, đối với kế hoạch năm 2020 kéo dài sang 2021, đến ngày 30/9, sẽ cắt giảm, điều chuyển 70% kế hoạch vốn còn lại chưa giải ngân hết; đến trước ngày 15/11, sẽ cắt giảm, điều chuyển toàn bộ kế hoạch vốn còn lại. Đối với kế hoạch vốn năm 2021, sau ngày 30/9, sẽ cắt giảm kế hoạch vốn năm 2021 đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 60%...

UBND tỉnh sẽ xem xét, xử lý kỷ luật đối với các chủ đầu tư, cá nhân thiếu trách nhiệm, gây chậm trễ trong việc giải ngân vốn của các dự án; đồng thời lấy kết quả giải ngân vốn đầu tư công  làm căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của người đứng đầu, tập thể, cá nhân các ngành, địa phương, đơn vị.