Quảng Bình tìm biện pháp giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

NDO -

Ngày 19/5, Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức Hội nghị bàn giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự các xã biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy Quảng Bình sẽ ban hành nghị quyết về phát triển vùng đặc thù này. 

Tỉnh Quảng Bình ưu tiên nguồn vốn đầu tư hạ tầng vùng miền núi để nâng cao đời sống cho người dân.
Tỉnh Quảng Bình ưu tiên nguồn vốn đầu tư hạ tầng vùng miền núi để nâng cao đời sống cho người dân.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Quảng Bình có tổng diện tích tự nhiên khoảng 3.845km2, trong đó, có 9 xã có biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào với chiều dài trên 222km; tổng dân số gần 11.000 hộ, 45.400 người. Đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh sinh sống tập trung theo cộng đồng ở 102 thôn, bản thuộc 15 xã và 3 bản của các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy với 6.417 hộ, 27.004 người. Dân tộc Bru-Vân Kiều và dân tộc Chứt là hai dân tộc thiểu có số dân đông nhất với hơn 26.000 người.

Những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, của tỉnh, kinh tế-xã hội của đồng bào có nhiều khởi, sắc, quốc phòng-an ninh được giữ vững. Đồng bào tin tưởng, đồng thuận, khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Quảng Bình còn những hạn chế, yếu kém, lạc hậu như: Cơ sở hạ tầng còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ý lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số rất cao (chiếm gần 70%)...

Để phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự các xã biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt làm sớm kéo giảm hộ nghèo, ổn định đời sống cho người dân, Tỉnh ủy Quảng Bình xây dựng Dự thảo nghị quyết phát triển vùng đặc thù này giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 gồm có 4 phần, trong đó nhấn mạnh các nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; lồng ghép, bổ sung chính sách, nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đồng thời giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào. Tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, không gian sinh sống của đồng bào.