Quảng Bình thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Tỉnh Quảng Bình có bờ biển dài hơn 116km, vùng biển thềm lục địa và đặc quyền kinh tế rộng hơn 20 nghìn km2. Là tỉnh có vùng biển đa dạng sinh học cao, nguồn lợi thủy sản phong phú, cho nên trước đây Quảng Bình có hoạt động khai thác thủy sản trái phép rất mạnh. Những năm qua, chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để ngăn chặn cho nên tình trạng này đã giảm đáng kể. Nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh đã từng bước phục hồi.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng biên phòng tỉnh Quảng Bình và các cơ quan chức năng tuyên truyền cho người dân các quy định nghiêm cấm hành vi tàng trữ, sử dụng xung điện, chất nổ để khai thác thủy sản. (Ảnh LAN CHI)
Lực lượng biên phòng tỉnh Quảng Bình và các cơ quan chức năng tuyên truyền cho người dân các quy định nghiêm cấm hành vi tàng trữ, sử dụng xung điện, chất nổ để khai thác thủy sản. (Ảnh LAN CHI)

Kiên quyết đấu tranh với khai thác thủy sản trái phép

Quảng Bình hiện có gần 8.000 phương tiện hoạt động nghề cá, trong đó có hơn 4.000 tàu từ 6m trở lên. Số lao động hoạt động nghề cá là hơn 24 nghìn người. Trên địa bàn tỉnh có ba cảng cá lớn cùng hàng chục bến cá, chợ cá bãi ngang ven biển. Số lượng tàu cá lớn là một lợi thế, nhưng cũng là khó khăn cho việc kiểm soát hoạt động khai thác trái phép. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trước kia hoạt động khai thác trái phép trên địa bàn tỉnh chủ yếu là sử dụng chất nổ, xung điện, hóa chất và tàu giã cào sai tuyến. Trong đó số tàu cá thuộc địa phương quản lý vi phạm khá lớn. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, toàn tỉnh hầu như không còn tàu cá từ 6m trở lên vi phạm về quy định khai thác (IUU), nhất là không có tàu nào bị xử lý do sử dụng hóa chất để khai thác.

“Hiện nay, việc khai thác trái phép ở các vùng nước ngọt, cửa sông, bãi ngang là không đáng kể. Khó khăn vẫn là kiểm soát lượng tàu cá từ các địa phương lân cận lợi dụng thời tiết, đêm tối... để khai thác trái phép trên vùng biển do tỉnh quản lý”, ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Thủy sản Quảng Bình chia sẻ. Theo ông Linh, trong vòng 5 năm trở lại đây, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình đã phát hiện, xử phạt gần 600 tàu cá và vụ việc vi phạm IUU, thu ngân sách hơn 1,3 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra một vụ việc vi phạm nghiêm trọng do tàng trữ, vận chuyển, sử dụng chất nổ. Trong đó, Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình là lực lượng chủ yếu thực hiện tuần tra, kiểm soát trên biển. Thống kê cho thấy, từ năm 2019, lực lượng biên phòng của tỉnh đã phát hiện xử lý 109 vụ (106 tàu cá vi phạm), thu giữ 85kg vật liệu nổ, hàng trăm mét dây cháy chậm, kíp nổ.

Đại tá Đinh Văn Lưu, Trưởng phòng Phòng chống Ma túy và Tội phạm, Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết: Là lực lượng được giao tuần tra, kiểm soát các hoạt động nghề cá trên vùng biển do địa phương quản lý, nhưng lực lượng Biên phòng Quảng Bình chưa có đủ phương tiện và con người để bảo đảm hoạt động hiệu quả trên vùng biển rộng như vậy. Hơn nữa, đối với một số đối tượng cố tình vi phạm thì đều xác định rất manh động và sẵn sàng chống đối, vứt bỏ tang vật vi phạm... cho nên việc bắt giữ rất khó khăn.

Đẩy mạnh nhiều giải pháp

Huyện Lệ Thủy là một trong những địa bàn có tình trạng khai thác thủy sản trái phép “nóng” nhất tỉnh Quảng Bình về số vụ việc vi phạm. Nguyên nhân chủ yếu do địa phương có ngư trường rộng, số lượng thủy, hải sản phong phú. Ngoài ra, huyện Lệ Thủy có nhiều bãi ngang, đời sống người dân làm nghề cá thấp, chủ yếu là sử dụng tàu cá loại nhỏ để đánh bắt gần bờ. Mỗi năm, đội thuyền của huyện Lệ Thủy khai thác được khoảng 6.000-7.000 tấn, chiếm chưa đầy một phần mười tổng sản lượng toàn tỉnh.

Cho dù có số vụ việc vi phạm khá lớn, nhưng quy mô khai thác thì lại rất nhỏ do đối tượng vi phạm chủ yếu là người dân hành nghề chài lưới, đánh bắt bằng phương tiện nhỏ, gần bờ. Số vụ vi phạm có quy mô lớn hầu hết là do các tàu cá từ địa phương khác lợi dụng đêm tối xâm phạm ngư trường khai thác. Từ khi lực lượng chức năng đẩy mạnh tuần tra, những vụ việc như vậy đã giảm đáng kể.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Nguyễn Hữu Hán, vùng biển thuộc địa bàn huyện là một ngư trường truyền thống có trữ lượng thủy sản phong phú. Cho nên vẫn còn một số đối tượng khai thác thủy sản bằng các biện pháp bất hợp pháp. Từ năm 2020, huyện đã phát hiện, xử lý 41 trường hợp vi phạm, vận động người dân giao nộp gần 200 bộ kích điện.

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, công tác tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc. Năm 2020, Tỉnh ủy đã ban hành Văn bản số 980/CV-TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống khai thác trái phép.

Cùng với đó là rất nhiều các chỉ thị, kế hoạch, chủ trương, giải pháp của các cấp chính quyền địa phương, sự tham gia của người dân trong việc chấp hành các quy định khai thác cũng như tố giác các hành vi vi phạm trên vùng biển do tỉnh quản lý đã góp phần làm phục hồi nguồn lợi thủy sản trên vùng biển nơi đây.

Để giải quyết triệt để những vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản trái phép, nhất là đối với các đối tượng cố tình vi phạm, không thể chỉ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động. Tỉnh Quảng Bình cần xây dựng và tăng cường lực lượng chấp pháp về khai thác nghề cá. Quản lý một vùng biển rộng lớn như vậy, nhưng cả tỉnh chưa có lực lượng kiểm ngư; chưa có hướng dẫn mô hình tổ chức cụ thể. Các lực lượng khác như thanh tra chuyên ngành thủy sản, bộ đội biên phòng, công an...

không đủ nhân lực và tàu chuyên dụng để bố trí tuần tra thường trực trên biển. Ngoài ra, công tác hậu cần nghề cá, các cảng cá chưa đáp ứng được hoạt động của đội tàu khai thác xa bờ cũng như kinh phí để giúp ngư dân trên địa bàn tỉnh chuyển đổi sản xuất còn nhiều khó khăn...

Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thì mức xử phạt rất nặng đối với các vi phạm quy định khai thác cũng đã góp phần làm giảm số vụ vi phạm trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản thật sự hiệu quả, chúng tôi mong muốn được các bộ, ngành liên quan hỗ trợ về chính sách, nguồn ngân sách để giúp ngư dân chuyển đổi nghề...

LÊ VĂN LỢI, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Quảng Bình

Nhiệm vụ bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt trên vùng biển không chỉ là nhiệm vụ của một lực lượng hay địa phương mà cần có sự chỉ đạo thống nhất từ trên xuống dưới, từ các địa phương. Trước mắt, để kiểm soát hiệu quả, cần rà soát đồng bộ hóa các thủ tục, giấy tờ, đăng kiểm tàu, thuyền, chứng chỉ hành nghề, nguồn vốn đào tạo, chuyển đổi nghề. Có như vậy, hoạt động khai thác thủy sản mới mang tính chuyên nghiệp quy mô, gắn trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản với lợi ích của người tham gia khai thác.

Thượng tá ĐẶNG VĂN HOÀNG

Phó Chỉ huy trưởng BCH BĐBP tỉnh Quảng Bình