Sáng sớm, chúng tôi có mặt ở bãi biển xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch đã thấy người dân tụ họp rất đông. Cùng với đó là hàng chục thuyền nan cập bờ để chuyển cá lên bãi. Ngư dân nhanh tay chuyển cá từ thuyền vào bờ với nét mặt vui mừng, phấn khởi.
Ngư dân Đậu Trọng Thắng cho biết, sáng nay, thuyền của ông trúng gần 1 tấn cá cơm. Hôm trước còn đánh bắt được gấp đôi. Cá cơm tươi ngon bán với giá 15-20 nghìn đồng/kg, nên sau một chuyến biển, bình quân mỗi lao động thu được hơn 1 triệu đồng. “Cá cơm đi theo luồng gần bờ, đánh bắt đơn giản nên không mất nhiều thời gian, lại tiết kiệm tiền dầu nên bà con có thêm niềm vui và động lực ra khơi hơn”, ông Thắng chia sẻ.
Được mùa cá cơm nên làng biển Quảng Xuân vui hơn. |
Theo ngư dân xã Quảng Xuân, cá cơm sống ở tầng nổi, cách bờ hơn 10km và đi theo từng đàn, xuất hiện cả ngày lẫn đêm. Chính vì vậy, hiện tại ngư dân đánh bắt cá cơm cả ngày và đêm. Ban đêm ngư dân đánh bằng “pha xúc”, nghĩa là dùng đèn dụ đàn cá đến dùng lưới vây lại rồi xúc lên thuyền. Còn ban ngày dùng lưới mắt nhỏ vây lại rồi kéo lên.
Cá cơm là nguồn nguyên liệu để ngư dân làm nước mắm truyền thống hoặc phơi khô để bán với giá trị cao hơn. Sau những ngày mưa to đầu tháng 9, Quảng Bình có nắng nóng trở lại, tạo thuận lợi cho việc chế biến cá cơm của ngư dân.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quảng Xuân Dương Minh Phương cho biết, toàn xã có 134 chiếc tàu thuyền đánh cá, trong đó có khoảng 80 chiếc thuyền đánh bắt gần bờ. Sau đợt mưa lớn, nguồn nước bị xáo trộn, vùng biển ven bờ có nhiều thức ăn nên ngư dân đánh bắt gần bờ liên tiếp trúng các loại hải sản như: cá cơm, cá nục, ruốc… Trung bình mỗi chuyến biển các thuyền đều đạt sản lượng hơn 1 tấn hải sản, thu về hàng chục triệu đồng. Sau một thời gian dài khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và xăng dầu tăng giá, đây là niềm vui lớn đối với các ngư dân vùng biển bãi ngang xã Quảng Xuân.