Ngư dân Quảng Bình với những chuyến biển bội thu

Vụ cá nam đang dần khép lại với ngư dân bắc miền trung nói chung, ngư dân Quảng Bình nói riêng nhưng dư âm rộn ràng sau những chuyến biển bội thu vẫn còn ở các làng biển. Cùng với việc giá xăng, dầu giảm mạnh thì những chuyến biển doanh thu cao đã giúp ngư dân Quảng Bình có thêm thu nhập, tạo động lực để vươn khơi bám biển sản xuất.
0:00 / 0:00
0:00
Dịp rằm tháng 7 âm lịch, nhiều tàu cá ở Quảng Bình trúng đậm.
Dịp rằm tháng 7 âm lịch, nhiều tàu cá ở Quảng Bình trúng đậm.

Những chuyến tàu tiền tỷ

Sau hơn nửa tháng ra khơi đánh bắt, tàu cá số hiệu QB-91999-TS của ngư dân Phạm Tuyển ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới may mắn trúng được luồng cá nên đánh bắt được 250 tấn cá nục. Anh Tuyển cho chúng tôi xem video clip ghi lại cảnh nhóm ngư dân nỗ lực kéo lưới với một lượng rất lớn cá nục đổ vào khoang rồi phân loại để đưa vào hầm lạnh.

Phạm Tuyển kể về chuyến biển trúng đậm nhất trong cuộc đời ngư phủ của mình: “Trong chuyến ra khơi lần này, tàu tôi đi được 20 ngày. Khi tàu vừa ra đến tọa độ biển ở vịnh Bắc Bộ thì tối trời, anh em sử dụng máy dò cá trên tàu để dò đàn cá, quét một lúc thì thấy cá còn ít nên ngư dân tiếp tục tăng ánh sáng, dò đi dò lại chi tiết hơn thì phát hiện đàn cá khổng lồ bơi ngang. Tàu tiến hành rải lưới và duy trì độ sáng cần thiết, một lúc lâu thì cất được cả mẻ cá nặng lưới. Cứ như thế cho đến gần sáng, cá nục đầy khoang. Trúng mẻ cá lớn nên ai nấy trên tàu cảm thấy vui sướng, quên đi vất vả của nghề biển”.

Sáng sớm, Tuyển dùng bộ đàm gọi cho các tàu dịch vụ hoạt động gần đó đến mua cá ngay trên biển. Đợt thu cá cuối cùng anh và các bạn thuyền mới chuyển cá vào bờ bán. Với giá

10 nghìn đồng/kg, tổng số tiền bán cá thu được 2,5 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, chủ tàu Phạm Tuyển thu được hơn 1,8 tỷ đồng.

Theo UBND xã Bảo Ninh, ngoài ngư dân Phạm Tuyển, nhiều chủ tàu khác như Trần Đình Thủy, Nguyễn Ngọc Huy, Phạm Thạch, Nguyễn Quyết Tiến… cũng thu được từ 1,2 tỷ đồng trở lên sau chuyến biển cuối tháng 7 vừa qua.

Không trúng được luồng cá thu tiền tỷ như ngư dân xã Bảo Ninh song nhiều tàu cá của xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch cũng đánh bắt được nhiều cá mang lại nguồn thu nhập khá cho bạn thuyền. Đồng Đức Thanh dù còn trẻ nhưng là ngư dân Cảnh Dương can trường trên các vùng biển xa. Anh cho biết, thông thường tàu đánh bắt biển xa ra khơi mỗi trăng (tháng) một chuyến và khoảng 9 chuyến/năm, bởi thời gian còn lại phải nghỉ do biển động và bão tố. Nhưng tàu cá QB-93949-TS của anh mỗi năm đi từ 12 đến 15 chuyến. Chuyến gần đây nhất bán được 450 triệu đồng, 7 lao động trên tàu có thu nhập gần 40 triệu đồng/người. “Những tháng đầu năm, do chi phí nhiên liệu tăng cao nên thu nhập bình quân của lao động tàu tôi khoảng 8-12 triệu đồng/người, thời gian gần đây, giá dầu giảm mạnh nên nhờ thế tiền lương anh em ngư dân khá hơn nhiều. Chuyến biển thắng lợi, mọi người đều rất vui và hy vọng giá dầu tiếp tục giảm hoặc ít nhất thì giữ yên để ngư dân có thêm điều kiện ra khơi”, Đồng Đức Thanh chia sẻ.

Nhiều sáng tạo để bám biển

Việc có được những chuyến biển thắng lợi và mức thu nhập khá cao sau một thời gian dài khó khăn, vất vả do ảnh hưởng của dịch bệnh và nhiên liệu tăng cao đã mang lại sự động viên, khích lệ ngư dân rất lớn. Ngư dân Quảng Bình động viên nhau và có nhiều cách làm sáng tạo để khắc phục khó khăn, tiếp tục bám biển đánh bắt hải sản. Để giải “bài toán” thiếu lao động đi biển, nhiều chủ tàu tìm cách tuyển dụng lao động ở các địa phương khác, thậm chí ở ngoại tỉnh. Các chủ tàu thảo luận và thống nhất cho các tàu luân phiên ra khơi nhằm giúp nhau đủ lao động trong mỗi chuyến đánh bắt. Vậy là, trong các tổ hợp tác khai thác vùng biển xa, chuyến đầu thì xuất bến bằng tàu của chủ tàu này, chuyến thứ hai thì của chủ tàu khác. Trong bối cảnh nghề cá đang thiếu lao động trầm trọng thì đây là cách để bảo đảm duy trì sản xuất và tiết kiệm nhiên liệu.

Để thu hút luồng cá trên biển bằng ánh sáng, nhiều tàu cá ở Quảng Bình đã đầu tư trang thiết bị mới như hệ thống đèn led và hệ thống dò cá hiện đại. Ngư dân Nguyễn Thành Huy ở xã Bảo Ninh chia sẻ: “Trước đây, tàu cá đều sử dụng bóng công suất 1.000W nên rất tốn dầu chạy máy phát điện mà không chiếu sáng bao quát để dụ cá. Nay, chúng tôi thay toàn bộ đèn led, mỗi bóng chỉ 300W thôi mà sáng trắng, lại bố trí được nhiều bóng nên ánh sáng bao quát cả khu vực. Bóng tiết kiệm điện nên nhiên liệu dùng cho máy phát điện chỉ tốn 50% so với trước đây, anh em đỡ tiền dầu khá nhiều”.

Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Thủy sản tỉnh Quảng Bình cho biết, thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã thực hiện hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cho chủ tàu cá tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa mua máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên, chi phí nhiên liệu đi và về của chuyến biển. Ngoài các chính sách của Chính phủ, hằng năm, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã có chính sách trợ giúp ngư dân đánh bắt xa bờ. Nhiều chủ tàu cá lắp đặt các hệ thống dò cá ngang, dọc để xác định vùng biển nào có nhiều cá. Nhờ đó xác định được mẻ lưới đánh vào thời điểm nào cho phù hợp với khả năng của tàu mình để mang lại hiệu quả.

Bên cạnh tình trạng thiếu lao động nghề biển thì cái khó của ngư dân Quảng Bình nói riêng, miền trung nói chung là giá thủy sản giảm trong khi giá xăng dầu vẫn đang ở mức cao. Ngư dân mong muốn giá xăng, dầu ổn định để tạo thuận lợi cho tàu cá ra khơi bám biển sản xuất và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của

Tổ quốc.