Quảng Bình nâng cao hiệu quả đào tạo nghề trong bối cảnh dịch bệnh

NDO -

Đào tạo nghề không chỉ giúp người lao động tạo ra sinh kế mà còn tạo điều kiện thuận lợi để duy trì và phát triển các làng nghề, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao giá trị sản xuất. Vì thế, thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã có nhiều giải pháp linh hoạt trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giúp người dân có công việc, thu nhập để tạo dựng cuộc sống và vươn lên.

Đào tạo nghề sửa chữa ô-tô tại Trường Cao đẳng nghề Quảng Bình.
Đào tạo nghề sửa chữa ô-tô tại Trường Cao đẳng nghề Quảng Bình.

Nhiều năm qua, công tác tuyển sinh dạy nghề ở Quảng Bình gặp nhiều khó khăn nên kết quả là con số khá khiêm tốn. Năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 bùng phát song hoạt động dạy nghề cho lao động có nhiều khởi sắc.

Học nghề để có sinh kế ổn định

Những năm trước, chị Nguyễn Thị Hồng ở xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) làm nhiều nghề để kiếm sống nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Khi Bảo Ninh quê hương chị trở thành địa chỉ du lịch biển hấp dẫn, chị nghĩ tới các nghề dịch vụ để phục vụ khách du lịch. Nhưng với một lao động phổ thông, công việc làm dịch vụ gặp không ít khó khăn. Do vậy, khi nghe tin chính quyền thành phố phối hợp Trường Cao đẳng nghề Quảng Bình mở lớp nghiệp vụ nhà hàng thì đăng ký học ngay.

Sau 3 tháng đào tạo, chị Hồng được cấp chứng chỉ nghề. Chị Nguyễn Thị Hồng cho biết, với lợi thế của ngôi nhà ở bán đảo du lịch biển Bảo Ninh, cùng những kiến thức và kỹ năng tích lũy từ khóa học, chị mở cửa hàng giải khát ngay tại nhà. Thực đơn phong phú và các loại đồ uống pha chế chất lượng, quán thu hút đông khách, góp phần nâng cao thu nhập gia đình. Dịch bệnh làm công việc kinh doanh của chị Hồng và nhiều người khác ở địa phương gặp khó khăn nhưng chị tin rằng, khi lĩnh vực du lịch sôi động trở lại, công việc dịch vụ của chị cũng khởi sắc hơn.

Xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình), quê hương của bà Phạm Thị Quý có nghề truyền thống mây tre đan. Tuy nhiên, với những người luống tuổi như bà chỉ chủ yếu đan phần thô, mà sản phẩm ở công đoạn này thì giá bán không cao. Trong khi đó, để sản phẩm mỹ nghệ có giá trị cao trên thị trường đòi hỏi phải đẹp và tinh xảo. Vì thế, bà Quý tham gia lớp đào tạo nghề mây tre đan do Trung tâm Khuyến công Quảng Bình mở với mục đích nâng cao tay nghề, qua đó nâng thu nhập cho người lao động.

Bà chia sẻ: “Nhờ được giáo viên hướng dẫn kỹ càng mà tôi đã nâng cao được tay nghề, làm nhanh hơn, đẹp hơn, hạn chế được lỗi khi đan. Đặc biệt, bây giờ tôi đã hoàn thiện được tấm mây đan lục giác mà trước đây chưa làm được”.

Lãnh đạo xã Quảng Văn cho biết, đã có lúc, nghề truyền thống của địa phương có nguy cơ mai một do thiếu nguyên liệu và sản phẩm đầu ra giá trị thấp, trong đó có nguyên nhân là thiếu lao động có tay nghề cao nên sản phẩm chủ yếu đan thô. Thông qua lớp đào tạo, nhiều người có dịp rèn luyện, nâng cao tay nghề để tạo ra sản phẩm có giá bán cao, qua đó góp phần giữ nghề truyền thống.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Quảng Bình, kế hoạch năm 2021, tỉnh tuyển sinh đào tạo cho 16.000 học viên trình độ các hệ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, từ đó nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 66%. Tuy nhiên, khi bắt đầu thực hiện kế hoạch thì dịch Covid-19 xảy ra, gây nhiều khó khăn, trở ngại trong tuyển sinh và dạy nghề.

Trước thực tế đó, các các cơ giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đã khắc phục khó khăn, linh hoạt thực hiện các biện pháp tư vấn, tuyển sinh trực tuyến và điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp, bảo đảm nguồn nhân lực cho thị trường lao động. Nhiều trường tổ chức dạy trực tuyến phần lý thuyết, còn phần thực hành thì trực tiếp bằng cách chia nhỏm nhỏ, bảo đảm quy định phòng, chống dịch.

Đặc biệt, từ giữa tháng 10 đến nay, khi tỉnh Quảng Bình cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19 thì các cơ sở dạy nghề trở lại dạy học trực tiếp với nhiều cách làm linh động. Các lớp dạy nghề ngắn hạn được mở lại ngay tại địa bàn dân cư để hạn chế di chuyển cho học viên.

Với các lớp đào nghề dài hạn thì học viên được bố trí ăn, ở, học tập ngay tại các trường nghề một cách khép kín. Phần thực hành trong xường thì chia nhóm nhỏ; trên bãi tập lái xe, máy thì tổ chức theo ca, kíp nhằm phòng, chống dịch nhưng bảo đảm trình độ, tay nghề của học viên.

Nhờ những nỗ lực vượt khó và thích ứng, linh hoạt động công tác đào tạo nghề nên năm nay, tỷ lệ tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp của Quảng Bình đã đạt cao hơn so năm 2020, với 19.536 người, đạt 122 % kế hoạch. Trong đó, cao đẳng nghề là 370/600 người, đạt 61,6%, trung cấp 1.859/2.200 người, đạt 84,5% và sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 17.307/13.200 người, đạt 131,1% kế hoạch.

Nói về kết quả này, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Quảng Bình Đinh Thị Ngọc Lan cho biết, dù tỷ lệ tuyển sinh trung cấp và cao đẳng nghề chưa đạt kế hoạch đề ra nhưng đây là con số khá cao so các năm trước, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh bùng phát.

Mặt khác, số lượng lao động đăng ký học nghề ngắn hạn tăng đột biến cũng là kết quả rất đáng khích lệ. Các nghề ngắn hạn như lái xe, chăn nuôi, thú y, nuôi ong lấy mật, mây đan... được người lao động lựa chọn nhiều, chứng tỏ sau thời gian giãn cách, họ nhận thấy mình cần bổ túc thêm để phục vụ hoạt động, sản xuất nên số lượng học viên tham gia học tăng cao.

Quảng Bình nâng cao hiệu quả đào tạo nghề trong bối cảnh dịch bệnh -0
 Dạy nghề mây đan cho phụ nữ xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình).

Tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, công tác đào tạo nghề cho lao động ở Quảng Bình cũng còn những khó khăn, vướng mắc. Trước hết là việc khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp ở một số địa phương chưa sát thực tế.

Có địa phương lại bỏ qua khâu tư vấn học nghề trong khi vẫn mở lớp theo đăng ký nên nhiều lớp học nghề không bảo đảm sĩ số, ảnh hưởng chất lượng giảng dạy. Điều này dẫn đến tình trạng đào tạo chưa đi đôi giải quyết việc làm, chưa đáp ứng nhu cầu thực sự của người học và thực tế đời sống hiện nay.

Theo phản ánh của nhiều lao động, dù các cơ sở đào tạo trong tỉnh đã tăng cường trang thiết bị, máy móc dạy nghề nhưng vẫn chưa theo kịp sự thay đổi công nghệ sản xuất trong thực tế. Vì thế, chưa giúp người học rèn luyện kỹ năng nghề để áp dụng vào thực tiễn sản xuất của mình. Mặt khác, do ảnh hưởng dịch bệnh, học viên không được thực hành tại các cơ sở sản xuất nên chưa có thời gian rèn luyện tay nghề, lao động khó tìm kiếm được việc làm sau đào tạo, nhất là lĩnh vực yêu cầu có tay nghề cao, như: hàn, lái máy, kỹ thuật điện…

“Một số cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh đầu tư trang thiết bị phục vụ dạy các nghề phi nông nghiệp nhưng do nhu cầu thị trường thay đổi hằng năm nên chỉ được một thời gian, nhóm nghề này ít được quan tâm nên khó tuyển dụng đào tạo. Do đó, máy móc, thiết bị phục vụ dạy nghề bị lãng phí. Trong khi với nhóm nghề mới mà xã hội đang cần thì lại thiếu thiết bị và giáo viên dạy nghề nên ảnh hưởng chất lượng đào tạo”, Phó Giám đốc Đinh Thị Ngọc Lan nói.

Thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình tiếp tục có những biện pháp để nâng cao chất lượng dạy nghề gắn giải quyết việc làm cho lao động. Trong đó tập trung vào 2 đối tượng chính là lao động trẻ sau phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS, THPT để đào tạo cao đẳng, trung cấp nghề và lao động nông thôn, nâng cao tay nghề phục vụ sản xuất nghiệp nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch hiện nay.

Để thu hút học viên cũng như nâng cao chất lượng đào tạo nghề, theo bà Đinh Thị Ngọc Lan, đầu tháng 12 này, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình thông qua nghị quyết hỗ trợ học viên học nghề đối với những đối tượng khó khăn. Đây là lần đầu tiên, tỉnh Quảng Bình có chính sách hỗ trợ học nghề, chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mặt khác, các cơ sở dạy nghề đã có nhiều ưu đãi bằng cách giảm học phí, hỗ trợ tiền ăn, nội trú để thu hút học viên vào học.

Quảng Bình hiện có khoảng 15 nghìn lao động từ phía nam trở về quê. Xác định đây là nguồn lực quan trọng phục vụ sản xuất, vì thế, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội Quảng Bình phối hợp chính quyền các địa phương, tìm hiểu nguyện vọng, hỗ trợ lao động đào tạo lại nghề để tìm việc làm ngay tại quê hương. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho người dân trong gian đoạn khó khăn này.

Hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng Covid-19