Quảng Bình đủ tiêu chí để công nhận phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở mức độ 3

NDO - Ngày 26/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo có buổi làm việc với tỉnh Quảng Bình về công tác kiểm tra công nhận đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Một giờ dạy học ở Trường tiểu học Phú Định, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Một giờ dạy học ở Trường tiểu học Phú Định, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Thông tin tại buổi làm việc cho biết, những năm qua, tỉnh Quảng Bình đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phổ cập giáo dục và xóa mù chữ. Mạng lưới trường, lớp từ mầm non đến phổ thông, dạy nghề, giáo dục chuyên nghiệp ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu học tập, học nghề của người dân.

Ngành Giáo dục-Đào tạo và các địa phương đã chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh hiện có 253 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Đến cuối năm 2021, có 8/8 đơn vị cấp huyện của tỉnh Quảng Bình đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, 8/8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục, trung học cơ sở mức độ 3 và tất cả các địa phương trong tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Từ thực tế sau 3 ngày kiểm tra tại Quảng Bình, đoàn công tác của Bộ Giáo dục-Đào tạo đã ghi nhận sự nỗ lực và đánh giá cao công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của địa phương. Kết quả này đủ để đoàn kiểm tra tham mưu và trình Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở mức độ 3 cho Quảng Bình.

Đại diện đoàn công tác nhấn mạnh, trong điều kiện của một địa phương còn nhiều khó khăn, kết quả mà Quảng Bình đạt được là khá cao so với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt, có xã còn nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt những kết quả đáng ghi nhận trong công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ.

Để bảo đảm tính bền vững của kết quả đạt được, thay mặt đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục-Đào tạo, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Sái Công Hồng đề nghị tỉnh Quảng Bình cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt việc phân luồng cho học sinh sau trung học cơ sở, tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mặt khác, tỉnh Quảng Bình cần khai thác nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, rà soát các loại hồ sơ bảo đảm tính liên thông số liệu từ các cấp học.

Được biết, Quảng Bình là 1 trong 5 tỉnh trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.