Quân và dân An Giang trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam

Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, quân và dân tỉnh An Giang cùng cả nước bắt tay vào công cuộc xây dựng, khôi phục sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh. Thế nhưng, phía bên kia biên giới, tập đoàn phản động Pol Pot-Ieng Sary lại đẩy mạnh gây hấn, nhiều lần xâm lấn lãnh thổ nước ta, buộc quân, dân An Giang phải tiếp tục cầm súng chiến đấu bảo vệ từng tấc đất của quê hương, đất nước…
0:00 / 0:00
0:00
Du khách tham quan Nhà mồ Ba Chúc.
Du khách tham quan Nhà mồ Ba Chúc.

Thiếu tướng Lê Hoàng Phúc, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang, từng tham gia các trận đánh ở chiến trường biên giới Tây Nam, nhớ lại: Trải qua chiến tranh, ruộng nương bị tàn phá, lúc đó còn trồng lúa mùa (chưa làm lúa vụ 2-3 như bây giờ), nên tỉnh An Giang thiếu lúa gạo.

Trong nghị quyết lãnh đạo về thực hiện nhiệm vụ năm 1976, Tỉnh ủy An Giang đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi sản xuất lúa một vụ thành hai vụ; từ lúa mùa sang lúa thần nông cao sản, ngắn ngày. Cùng với nhân dân, bộ đội đã tham gia đào kênh dẫn nước ở vùng Bảy Núi để khai hoang, rửa phèn.

Lúc này, tập đoàn phản động Pol Pot-Ieng Sary đã liên tục gây hấn, bắn phá dọc biên giới, bắt cóc cán bộ, phục kích bắt dân Việt Nam qua Campuchia làm ăn, nhổ hàng rào trên toàn tuyến biên giới An Giang gần 100 km.

Đại tá Nguyễn Văn Lèo, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang cũng cho biết, ngay sau khi giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, tình hình trên tuyến biên giới Tây Nam diễn biến phức tạp, bọn phản động Pol Pot-Ieng Sary xua quân xâm nhập, lấn chiếm biên giới nước ta với cường độ ngày càng tăng.

Đáng chú ý, đêm 30/4/1977, tập đoàn phản động Pol Pot-Ieng Sary đã tấn công vùng biên giới Tây Nam.

Tại An Giang, ban đêm, chúng nổ súng tấn công vào 14 xã biên giới gây cảnh chết chóc, tàn phá làng ấp, trường học, cơ sở sản xuất. Tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary còn tuyên truyền, xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh Việt Nam, kích động tư tưởng thù hằn dân tộc.

Các đồn biên phòng, bộ đội, dân quân du kích vùng biên giới đã sớm nhận diện kẻ thù, đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu đẩy lùi các mũi tấn công của địch về phía bên kia biên giới.

Lịch sử Đảng bộ tỉnh An Giang ghi nhận, ngày 30/7/1977, đoàn cán bộ của Bộ Chính trị và Bộ Quốc phòng do Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu về thăm An Giang. Đại tướng nhắc nhở: Quân và dân An Giang phải hết sức cảnh giác trước âm mưu của địch ở biên giới. Bộ đội ta cần phải đánh, đánh cho địch thật đau; phải xây dựng tuyến phòng thủ vững chắc…

Sau đó, tỉnh An Giang được Trung ương điều động hai trung đoàn thuộc Sư đoàn bộ binh 7 của Quân đoàn 4 về đứng chân bảo vệ thị xã Châu Đốc. Đầu tháng 9/1977, tỉnh An Giang được Quân khu 9 tăng cường ba đại đội pháo binh 105 ly, hai khung đại đội thông tin, một khung đại đội công binh, hai khẩu pháo 85 ly nòng dài để bổ sung cho các trung đoàn và đơn vị thông tin của tỉnh.

Đến cuối năm 1977, toàn tỉnh An Giang đã chuyển hẳn từ trạng thái thời bình sang thời chiến…

Quân Pol Pot tăng cường đánh phá các nơi trọng yếu như: Tịnh Biên, Vĩnh Hội Đông, Vĩnh Xương, Phú Hội và Bảy Núi. Đỉnh điểm của tội ác man rợ là đợt tấn công của tập đoàn phản động Pol Pot-Ieng Sary vào Bảy Núi, bao vây và cô lập, biến xã Ba Chúc (nay là thị trấn Ba Chúc, thuộc huyện Tri Tôn) từ vùng đất an bình thành bể máu.

Lịch sử ghi nhận, trong 12 ngày đêm chiếm đóng (từ ngày 18 đến 30/4/1978), chúng đã tàn sát dã man 3.157 dân thường từ trẻ em đến người già; đốt và phá hủy hơn 2.800 căn nhà, chùa, trường học, trạm y tế, các công trình công cộng… Chúng còn cài đặt nhiều quả mìn trên các cánh đồng.

Chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, Sư đoàn 330 và một bộ phận của Sư đoàn 4 kết hợp công an vũ trang, bộ đội địa phương và du kích tổ chức truy quét và phản kích khắp nơi không cho kẻ thù ngơi nghỉ.

Đến ngày 3/5/1978, quân địch bị quét sạch khỏi vùng Bảy Núi, tháo chạy về bên kia biên giới; hơn 400 tên địch bị tiêu diệt, bộ đội ta thu 150 súng và nhiều đạn dược.

Xác định An Giang là một hướng tấn công chính của quân Pol Pot, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đã điều động một lực lượng lớn bộ đội chủ lực về đây.

Từ tháng 8 đến tháng 10/1978, tỉnh An Giang bị nước lũ dâng ngập, quân ta tập trung chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô. Quân khu 9 chủ trương cho hai tỉnh Bến Tre và Hậu Giang kết nghĩa với hai huyện Bảy Núi và Phú Châu, Ban Chỉ huy chung ba mặt trận được thành lập.

Ngày 22/12/1978, lực lượng vũ trang tỉnh An Giang nổ súng tấn công mở màn cho chiến dịch theo trục sông Long Tiền và Cả Hàng (Phú Châu). Ngày 1/1/1979, lực lượng của Quân khu 9 và cấp trên nổ súng từ Lạc Quới đến lộ 2 (Bảy Núi).

Cùng lúc này, lực lượng của tỉnh Hậu Giang cùng bộ đội các huyện Phú Châu, Phú Tân, Chợ Mới với sự tiếp sức của du kích và công an vũ trang tấn công địch ở Phú Châu và sông Tiền. Toàn tuyến phòng thủ của địch bị phá vỡ, quân Pol Pot bị đẩy ra khỏi biên giới.

Phối hợp với chiến trường chung theo lời kêu gọi của nhân dân Campuchia, lực lượng vũ trang An Giang đã đánh chiếm toàn bộ huyện Rêminh và giải phóng Kandal.

Trong đợt tấn công này, lực lượng vũ trang An Giang đánh chiếm và giải phóng bốn huyện và nửa huyện khác thuộc tỉnh Tà Keo và Kandal, cứu hơn 400 nghìn người dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot.

Ngày 7/1/1979, các mũi tấn công của bộ đội tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng nổi dậy ở Campuchia đã chiếm thủ đô Phom Penh. Bộ máy chính quyền phản động của Pol Pot trốn chạy về biên giới Thái Lan. Đất nước Campuchia được giải phóng. An Giang đã bảo vệ được lãnh thổ, nhân dân vùng biên giới dần dần khôi phục nhà cửa, ruộng nương…

Lịch sử An Giang còn ghi lại, hậu quả do Pol Pot để lại đã gây khó khăn cho chính quyền, người dân xã Ba Chúc.

Người dân bị đói hai năm liền, đất ruộng bị bỏ hoang không sản xuất được, năm 1980 chỉ canh tác được 100 ha, thu được 300 tấn lương thực (trước năm 1978, sản lượng mỗi năm hơn 3.000 tấn thóc). Trẻ em nhiều năm liền không đi học được do trường học bị đốt phá; hơn 200 người chết và bị thương do vướng lựu đạn và mìn của quân Pol Pot cài lại.

Năm 1979, tỉnh An Giang đã xây dựng Nhà mồ Ba Chúc lưu giữ 1.159 bộ sọ cốt của những nạn nhân để trưng bày, tố cáo tội ác diệt chủng của Pol Pot cho nhân dân trong nước và quốc tế biết.

Ngày 10/7/1980, Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng Nhà mồ Ba Chúc là di tích lịch sử cấp quốc gia. Hằng năm, lễ giỗ tập thể nạn nhân Ba Chúc được tổ chức vào ngày 15 và 16/3 âm lịch, được xem là lễ giỗ tập thể lớn nhất Việt Nam.

Sau khi quân Pol Pot bị đánh đuổi, chính quyền và người dân đã nén đau thương cùng nhau đoàn kết lại xây dựng quê hương, đất nước, khôi phục sản xuất, từng bước đẩy lùi khó khăn.

Hiện nay, Ba Chúc là một trung tâm đô thị trù phú của huyện Tri Tôn. Khu di tích lịch sử quốc gia Nhà mồ Ba Chúc, chùa Tam Bửu-Phi Lai đã trở thành điểm thu hút du lịch, điểm đến nổi tiếng của An Giang.

Đến nay, tỉnh An Giang đã 45 lần tổ chức lễ giỗ tập thể tưởng nhớ nạn nhân Ba Chúc. Nhà mồ Ba Chúc là minh chứng lịch sử, là bản cáo trạng lên án tội ác của bọn của Pol Pot; đồng thời là biểu tượng cho khát vọng hòa bình của nhân dân ta và toàn thế giới…