Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại các điểm cầu ở Trung ương, các bộ, ban, ngành liên quan và các tỉnh ủy, thành ủy trên cả nước.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố.
Tại hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh đã báo cáo những nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, sau 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm vừa qua, công tác xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng.
Đến cuối năm 2020, hệ thống đô thị nước ta đã có 862 đô thị các loại, phân bố tương đối đồng đều trong cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% năm 2020. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao. Đô thị hóa và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ đô thị hóa đạt thấp; chất lượng đô thị hóa chưa cao. Quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị chưa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới...
Để khắc phục hạn chế, Nghị quyết số 06-NQ/TW đề ra các mục tiêu tổng quát và cụ thể về công tác quản lý, xây dựng và phát triển đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, Nghị quyết đưa ra sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp; trong đó tập trung tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, đầu tư, quy hoạch, phát triển đô thị, kiến trúc, xây dựng, bảo đảm tính minh bạch, thống nhất. Xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới. Đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị. Phát triển kinh tế khu vực đô thị...
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành và nhiều địa phương đã phát biểu tham luận về những nội dung trọng tâm của Nghị quyết; thảo luận nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đề xuất các kiến nghị để nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Phát biểu ý kiến kết luận tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng đánh giá cao những ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, đồng thời nhấn mạnh, gợi mở một số nội dung quan trọng. Đó là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện thể chế, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên cần nghiên cứu, quán triệt đầy đủ, sâu sắc nội dung Nghị quyết quan trọng này.
Phải nhận thức rõ đô thị hóa là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới. Sớm xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết với lộ trình rõ ràng, phân công cụ thể; bổ sung, cụ thể hóa các tiêu chí, các chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết vào kế hoạch năm và theo từng giai đoạn ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Định kỳ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện.
Đồng chí khẳng định, việc đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị là rất quan trọng; phải bảo đảm quy hoạch đô thị có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm; văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển. Cùng đó, cần tập trung vào nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống pháp luật và ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá, vượt trội cho phát triển đô thị bền vững, thúc đẩy kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả.
Để việc quản lý đô thị được tốt hơn, đồng chí lưu ý thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị gắn với đề cao trách nhiệm, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của Trung ương. Phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị, nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị và triển khai đồng bộ sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết.
Đồng chí yêu cầu, Ban cán sự đảng Chính phủ sớm ban hành Chương trình hành động triển khai Nghị quyết, bảo đảm bám sát các nội dung Nghị quyết, phù hợp với từng địa phương, từng vùng. Chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch về phát triển đô thị quốc gia, chương trình quốc gia về xây dựng, cải tạo chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị; phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và các chiến lược, đề án chương trình trọng điểm khác liên quan.
Xây dựng và triển khai quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045; phê duyệt các quy hoạch phù hợp với tinh thần của Nghị quyết. Ưu tiên bố trí đủ nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ. Khẩn trương chỉ đạo rà soát hoàn thiện các văn bản dưới luật thuộc thẩm quyền có liên quan đến đô thị hóa và quản lý đô thị.
Đồng chí Võ Văn Thưởng tin tưởng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống trị và sự đồng lòng của nhân dân, Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị sẽ sớm đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng thực hiện thành công Nghị quyết lần thứ XIII của Đảng.