Góc nhìn

Quản trị tốt để doanh nghiệp trường tồn

"Khi sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017, tôi đặt vấn đề phải yêu cầu vượt mức về quản trị ngân hàng theo chuẩn Basel. Sau đó, dự thảo có quy định chủ tịch hội đồng quản trị không được kiêm tổng giám đốc, tôi bị một đại gia mắng: Công ty của tôi, tôi muốn làm gì thì làm!". Một chuyên gia kinh tế kể lại câu chuyện này để minh họa cho sự hạn chế trong nhận thức của doanh nghiệp, doanh nhân về vai trò quản trị doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Gần đây, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam một số lãnh đạo doanh nghiệp có tên tuổi trên thị trường, làm lộ ra tình trạng lũng đoạn, thao túng của một cá nhân đối với cả hệ sinh thái đã được xây dựng hàng chục năm. Đây là hệ quả của việc không tuân thủ Bộ quy tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt đã và đang được triển khai ở Việt Nam nhiều năm qua. Vì quản trị doanh nghiệp là những cơ chế, quy định chỉ ra quyền hạn và trách nhiệm giữa những thành viên khác nhau trong công ty, bao gồm hội đồng quản trị, ban điều hành, ban kiểm soát, cổ đông và các thành viên khác trong công ty để thông qua đó, công ty được điều hành và kiểm soát.

Yêu cầu tách bạch chức danh chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc được đưa vào Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán năm 2017 và sau đó là Luật Doanh nghiệp năm 2020. Trong đó, Luật Doanh nghiệp chỉ đưa ra những nguyên tắc chung nhất về quản trị công ty cho tất cả các doanh nghiệp, còn các luật chuyên ngành khác quy định cụ thể hơn. Ngoài ra, một số quy định khác khó đưa vào luật đã được đưa vào quy tắc quản trị công ty. Đến nay, sau bốn năm triển khai thực hiện, quản trị công ty vẫn là vấn đề rất đáng lưu tâm trong quá trình phát triển doanh nghiệp Việt Nam.

Thực tế đã chứng minh, quản trị tốt là nền tảng cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp, đồng nghĩa mang lại hiệu quả cao và lợi ích cho nhà đầu tư và ngược lại. Nhưng vấn đề này vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp Việt Nam chú ý đúng mức, trong khi các doanh nghiệp trên thế giới và nhiều nước ASEAN đã đạt đến mức quản trị vượt trên sự tuân thủ.

Đặc điểm của doanh nghiệp Việt Nam đa số có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nhiều công ty gia đình, có những công ty thành lập để hoàn thành một hợp đồng, dự án thay vì một ý tưởng tốt, sản phẩm tốt đưa ra thị trường... cho nên chưa quan tâm đúng mức đến quản trị công ty. Chỉ đến khi xảy ra lùm xùm vì vấn đề nội bộ, thị trường hay cá nhân người quản lý, người điều hành vi phạm pháp luật, cái giá phải trả rất lớn vì đã không thiết lập được các "chốt bảo vệ" để bảo đảm sự an toàn và hoạt động thông suốt của doanh nghiệp, của các cổ đông khác trước những biến động đó.

Hiểu một cách đơn giản nhất thì quản trị tốt là vì lợi ích của chính doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với khủng hoảng và đi lên. Đây cũng chính là "chìa khóa" để doanh nghiệp có thêm sức mạnh khi trở lại với trạng thái bình thường mới sau đại dịch.