Nhiều năm qua, việc xử lý các công trình vi phạm tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô trên địa bàn quận Hai Bà Trưng rất khó khăn, phức tạp do liên quan công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, thời gian các vi phạm kéo dài...
Tuy nhiên, thời gian gần đây, Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng đã xử lý xong chín trong số 14 công trình, hạng mục vi phạm; đồng thời tích cực phối hợp các sở, ngành liên quan chuẩn bị tiếp nhận quản lý toàn diện công viên. Ủy ban nhân dân quận đã phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện điều chỉnh ranh giới thu hồi đất theo Quyết định số 442/QĐ-TTg ngày 13/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ và xây dựng phương án để kịp thời tiếp nhận khi được bàn giao toàn diện Công viên Tuổi trẻ Thủ đô.
Hiện nay, việc lập, điều chỉnh quy hoạch tổng thể Quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 Công viên Tuổi trẻ Thủ đô đang trong quá trình lấy ý kiến cộng đồng dân cư và dự kiến trong quý IV/2023, quận Hai Bà Trưng sẽ hoàn thành công tác lập, phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch tổng thể Quy hoạch chi tiết Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, tạo điều kiện cho việc đầu tư các công trình công cộng trong công viên phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân.
Còn tại khu “đất vàng” 94 phố Lò Đúc và 67 phố Ngô Thì Nhậm, sau khi tiến hành di dời Nhà máy Rượu Hà Nội và Nhà máy Dệt kim Đông Xuân, Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng đã đầu tư xây dựng hai trường học. Trên diện tích đất còn lại, đến nay việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng chậm trễ, gây lãng phí đất đai, nhếch nhác đô thị suốt thời gian dài. Theo đại diện Ủy ban nhân dân quận, để khai thác hiệu quả quỹ đất nêu trên, quận đang chuẩn bị đầu tư xây dựng vườn hoa tạo không gian cho người dân vui chơi, giải trí; đồng thời đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sớm triển khai dự án đầu tư xây dựng trung tâm thương mại lớn, tạo sức bật phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Những ý kiến, kiến nghị nêu trên của người dân đã được Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng giải đáp cụ thể. Mới đây, tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời, làm rõ 19 ý kiến, kiến nghị của người dân; tập trung vào các lĩnh vực cải cách hành chính, quản lý đô thị, đất đai, xây dựng, văn hóa, giáo dục.
Đáng chú ý, thời gian qua quận luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển về số lượng, cũng như chất lượng gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Nhờ đó, tình hình phát triển kinh tế-xã hội, triển khai các nhiệm vụ chính trị của quận chín tháng năm 2023 đạt kết quả tích cực. Cụ thể, giá trị sản xuất lĩnh vực công nghiệp, xây dựng tăng 16%, thương mại, dịch vụ tăng 18,35% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt gần 9.690 tỷ đồng, tương đương 79% kế hoạch...
Mặc dù đã đạt nhiều kết quả, nhưng Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Nam yêu cầu các đơn vị, các phường tiếp tục rà soát, thực hiện đúng những nội dung đã hứa với người dân, bảo đảm nói đi đôi với làm. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường đối thoại, lắng nghe, nắm bắt kịp thời và giải quyết các kiến nghị của người dân, tạo đồng thuận trong xã hội. Gắn việc thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm người đứng đầu trong việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.