Quản lý là chìa khóa ngăn thanh thiếu niên tiếp xúc với thuốc lá mới

Ngày 19/3, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam tổ chức hội thảo khuyến nghị chính sách về thuốc lá mới, để bảo vệ thanh thiếu niên khỏi tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, cần có hành lang pháp lý rõ ràng. Việc áp dụng Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được xem là giải pháp hiệu quả để kiểm soát các sản phẩm thuốc lá mới này.
0:00 / 0:00
0:00
Thuốc lá làm nóng được sản xuất từ nguyên liệu thuốc lá.
Thuốc lá làm nóng được sản xuất từ nguyên liệu thuốc lá.

Thiết lập cơ chế pháp lý để ban hành các quy định cấm phù hợp

Theo ông Tạ Văn Hạ - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc ban hành các quy định liên quan đến thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng cần được cân nhắc kỹ lưỡng, đặt lợi ích sức khỏe cộng đồng và tương lai của thế hệ trẻ lên hàng đầu. Các quy định này cần đảm bảo tính hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và được thực thi một cách nghiêm minh.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố năm 2024, có 69 quốc gia công nhận thuốc lá làm nóng là thuốc lá mới, thuốc lá không khói hoặc các dạng thuốc lá khác; và 86 quốc gia khác đang áp dụng các quy định hiện hành về thuốc lá điếu để quản lý thuốc lá làm nóng một cách gián tiếp. Thực tế này chứng tỏ phần lớn các quốc gia đều đang áp dụng luật để quản lý thay vì lệnh cấm.

Dù vậy, quản lý thuốc lá làm nóng không đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho sản phẩm này xâm nhập giới trẻ. Ngược lại, đây là biện pháp thiết lập khuôn khổ pháp lý để cấm thuốc lá làm nóng hiệu quả. Theo WHO, hầu hết quốc gia không cấm hoàn toàn thuốc lá làm nóng mà áp dụng các biện pháp như: cấm đối tượng sử dụng (thường dưới 18, 20 hoặc 21 tuổi), cấm sử dụng tại nơi cấm hút thuốc, dán nhãn cảnh báo sức khỏe, quy định về quảng cáo, khuyến mại, tài trợ tương tự thuốc lá điếu.

Vào tháng 5/2024, WHO đã có báo cáo đề xuất các quốc gia áp đặt lệnh cấm việc sử dụng các sản phẩm này đối với trẻ em, đồng thời tăng cường quản lý các sản phẩm dành cho các đối tượng khác thông qua các biện pháp hạn chế về thuế và kinh doanh.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chỉ cho phép bán các sản phẩm thuốc lá làm nóng đáp ứng Đạo luật Kiểm soát Thuốc lá. Do đó, chỉ một số ít thuốc lá làm nóng được FDA cấp phép sau quá trình thẩm định nghiêm ngặt.

Bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhận định rằng nhiều quốc gia không áp dụng lệnh cấm cực đoan với thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử. Lý do là "nếu như cấm mà thị trường và nhu cầu người tiêu dùng vẫn có thì sẽ phát sinh thị trường chợ đen". Vì vậy, các quốc gia đặt ra quy định cấm đối tượng tiếp cận, cấm thành phần có khả năng thu hút giới trẻ và quy định giám sát chặt chẽ các nhà sản xuất.

Tại tọa đàm “Thực trạng thuốc lá mới và giải pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng” cuối năm 2023, ông Vũ Công Thảo - Chuyên viên cao cấp Vụ Khoa giáo văn xã, Văn phòng Chính phủ - đã phát biểu “Đứng trước câu chuyện thanh thiếu niên tiếp xúc với thuốc lá mới, những đánh giá về mặt khoa học đến bây giờ vẫn chưa đầy đủ. Vậy có nguy hiểm đến mức tuyệt đối cấm hay không? Vấn đề này phải do các nhà khoa học đánh giá cụ thể và tổng hợp kinh nghiệm của quốc tế và trong nước”.

Quản lý là chìa khóa ngăn thanh thiếu niên tiếp xúc với thuốc lá mới ảnh 1

Ông Vũ Công Thảo, Chuyên viên cao cấp Vụ Khoa giáo văn xã, Văn phòng Chính phủ phát biểu.

Cùng tọa đàm, ông Tạ Văn Hạ nhấn mạnh, cần thực thi nghiêm túc lệnh cấm bán, mua, cho tặng và quảng cáo thuốc lá đến đúng đối tượng, nhất là trẻ em, bao gồm cả thuốc lá mới và thuốc lá điếu.

Lệnh cấm sẽ trở nên vô nghĩa nếu không thể thực thi hiệu quả?

Ngày 4/5, tại Phiên giải trình "Trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng", Bộ Y tế đã thông báo đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác.

Đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh: "Việc cấm cần được thực hiện triệt để, bao gồm cả việc quản lý chặt chẽ trong nội địa. Nếu cấm nhập khẩu, cần có biện pháp xử lý phù hợp đối với người sử dụng thuốc lá mới trong nước".

Vậy nếu đề xuất cấm của Bộ Y tế được thông qua mà không có luật cấm sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng (bao gồm trẻ vị thành niên), cơ quan chức năng sẽ xử phạt người vi phạm như thế nào?

Việc kiểm soát thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng hiện nay đang được so sánh với việc kiểm soát thuốc lá điếu theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tại Điều 9 luật này quy định rõ các hình thức xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc này.

Ông Tạ Văn Hạ cũng nhấn mạnh, làm rõ trách nhiện và “hướng tới khắc phục thực trạng hiện nay như thế nào”. Theo ông, định nghĩa thuốc lá làm nóng tương tự như thuốc lá trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Vì vậy, nếu sử dụng Luật để quản lý, “các hành vi bị nghiêm cấm” theo Điều 9 sẽ là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ thanh thiếu niên khỏi tác hại của các sản phẩm này.

Hiện nay, Việc cấm các sản phẩm này tiềm ẩn nhiều thách thức, do ảnh hưởng rộng lớn đến hệ thống pháp luật liên quan. Ông Tạ Văn Hạ nhấn mạnh “Việc cấm liên quan đến vấn đề quyền con người, kinh doanh nên phải dùng luật và rất thận trọng. Do vậy, cơ quan quản lý Nhà nước về phòng chống tác hại của thuốc lá cần có nghiên cứu, đánh giá tác động rất kỹ càng, thực sự thuyết phục”.