Khởi nghiệp sáng tạo từ thương mại điện tử

Khởi nghiệp từ thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến và được nhìn nhận là tương đối an toàn trong các lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00

Tuy nhiên, an toàn không đồng nghĩa với thành công bởi để thành công trong một thị trường đang phát triển sôi động phải đối diện không ít thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực, tư duy sáng tạo, tìm lối đi khác biệt. Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng về khởi nghiệp (start-up) từ thương mại điện tử với 72,1 triệu người sử dụng internet, đạt tỷ lệ 73,2% dân số, đứng thứ 12 về lượng người dùng internet trên toàn cầu (tính đến tháng 9/2022).

Hai năm diễn ra đại dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen mua sắm của đa số người tiêu dùng, chuyển từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm trực tuyến (online). Đây là một trong những đòn bẩy quan trọng tạo ra sự phát triển đáng kinh ngạc của ngành thương mại điện tử Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Công thương năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Số lượng người dùng mua sắm trực tuyến năm 2022 đạt 57-60 triệu người (chiếm 74,8% những người sử dụng internet) trong đó giá trị mua sắm trực tuyến của một người Việt Nam vào khoảng 260-285 USD (tương đương 6,1-6,6 triệu đồng). Ngoài ra, với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam cũng được eMarketer (một công ty nghiên cứu thị trường của Mỹ) xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Thị trường thương mại điện tử phát triển bùng nổ là tiềm năng lớn, tạo ra nhiều cơ hội cho các start-up Việt. Không những thế, khởi nghiệp từ lĩnh vực thương mại điện tử còn phù hợp chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế số của Chính phủ. Khung pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử ngày càng hoàn thiện; các start-up được khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, cơ chế thông thoáng để phát triển; sự hỗ trợ của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia... Mặt khác, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam còn khá non trẻ so với thế giới nên còn nhiều "dư địa" cho các start-up Việt.

Thực tế, năm 2022 cũng ghi nhận dấu ấn của một số start-up Việt khá thành công trong lĩnh vực này như: OCG - công ty thương mại điện tử xuyên biên giới Open Commerce Group, Mio - một nền tảng thương mại điện tử qua mạng xã hội...

Bên cạnh nhiều thuận lợi, các start-up từ lĩnh vực thương mại điện tử cũng đối diện không ít trở ngại khách quan.

Đặc biệt là mức độ cạnh tranh cao bởi sự tham gia từ rất sớm của những tên tuổi lớn như: Shopee, Lazada, Amazon hay Tiki, Sendo… Ngoài ra là những trở ngại đến từ: hệ thống thanh toán kém phát triển, hạ tầng lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, thủ tục hải quan, sự thiếu niềm tin của một bộ phận người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến... Tuy nhiên, mấu chốt của khởi nghiệp sáng tạo là ý tưởng, trong đó sự khác biệt là yếu tố quyết định nên thách thức không nhỏ lại đến từ tự thân các start-up, đòi hỏi sự sáng tạo và tư duy định hướng đúng đắn, tìm được "ngách" đi riêng.

Từ đó, tạo ra sự khác biệt về sản phẩm, về các ứng dụng bán hàng, các chiến dịch quảng cáo, tiếp thị, chăm sóc khách hàng... Đồng thời, phải tìm ra những giải pháp bền vững để có được người dùng mới và giữ chân người dùng hiện tại.

Dù chưa có con số chính xác về các doanh nghiệp khởi nghiệp từ lĩnh vực thương mại điện tử nhưng ước tính có khoảng 387 start-up được hình thành và hoạt động với những thành công nhất định. So với tiềm năng phát triển của thương mại điện tử Việt Nam, thiết nghĩ con số này còn khá khiêm tốn. Vì thế, cần tiếp tục thúc đẩy hơn nữa các start-up từ lĩnh vực thương mại điện tử, tạo ra một thị trường phát triển sôi động, cạnh tranh lành mạnh, góp phần đưa lĩnh vực này trở thành một trong những trọng điểm của nền kinh tế số.