Quản lý hiệu quả lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Để phát huy các nguồn lực tài nguyên và môi trường cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính; tập trung hoàn thiện thể chế, đổi mới cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, nhất là kiểm tra, giám sát công tác quản lý sử dụng tài nguyên và môi trường ở các địa phương, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi làm thủ tục hành chính. (Ảnh: THẾ HÙNG)
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi làm thủ tục hành chính. (Ảnh: THẾ HÙNG)

Năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy phương châm “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững” làm trọng tâm hành động để phát huy các nguồn lực tài nguyên và môi trường cho phát triển bền vững của đất nước.

Để thực hiện phương châm nêu trên, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường.

Ngay sau khi Luật Đất đai được thông qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15; xây dựng, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 32/2024/QH15 theo hướng cho phép các luật nêu trên có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024.

Ngoài ra, Bộ cũng đã triển khai Luật Tài nguyên nước năm 2023, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai, thi hành Luật; hoàn thành, trình Chính phủ ban hành hai Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, đồng thời ban hành theo thẩm quyền các thông tư để bảo đảm triển khai thi hành Luật kể từ ngày 1/7/2024…

Tại các địa phương, cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường đã tham mưu, trình Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, tạo lập hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường ngày càng đồng bộ, thống nhất, đi vào cuộc sống.

Theo Chánh Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Tân Tuyến, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, công tác cải cách hành chính luôn được ngành tài nguyên và môi trường thực hiện mạnh mẽ, thực chất, rút ngắn thời gian thực hiện ở Trung ương và địa phương.

Cụ thể: Về triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, tính đến giữa tháng 6/2024, tổng số hồ sơ thủ tục hành chính đã tiếp nhận là 4.483 hồ sơ, trong đó số hồ sơ đã giải quyết là 2.969 hồ sơ, số hồ sơ đang giải quyết là 1.514 hồ sơ.

Về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Bộ đã triển khai, vận hành nền tảng Tích hợp và chia sẻ dữ liệu được triển khai ở cấp tỉnh và Bộ (LGSP) bảo đảm an toàn thông tin, kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân và hệ thống thông tin của Bộ với 240 dịch vụ, gần 1,7 triệu giao dịch.

Số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia và nền tảng dữ liệu nội bộ là 20.593 văn bản.

Đồng thời, Bộ tiếp tục duy trì hoạt động có hiệu quả các đường dây nóng để người dân và tổ chức, doanh nghiệp có thể thông tin trực tiếp hoặc gửi những phản ánh, kiến nghị đến Bộ về những tiêu cực, vi phạm trong hoạt động quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, về tình trạng vi phạm luật đất đai trên cả nước.

Đáng chú ý, để sử dụng hiệu quả nguồn lực khoáng sản cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông; tiến hành rà soát, thẩm định các hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò khoáng sản, cấp phép khai thác khoáng sản, đóng cửa mỏ; đẩy mạnh công tác thanh tra cơ bản địa chất về khoáng sản, đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản; hướng dẫn các địa phương nâng cao hiệu lực việc quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và triển khai các dự án khai thác khoáng sản; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, nhất là đối với công tác bảo vệ môi trường; kiên quyết xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản và môi trường.

Trong công tác bảo vệ môi trường, ngành tiếp tục tập trung hoàn thiện các quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, bảo đảm các điều kiện cần thiết để các địa phương triển khai công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, từ phân loại đến xử lý.

Tiếp tục đôn đốc các địa phương triển khai các giải pháp cụ thể, bảo đảm tỷ lệ rác sinh hoạt được thu gom và xử lý tại các khu đô thị đạt 95%; tỷ lệ các khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn đạt 92%...

Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, để tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong công tác quản lý, sử dụng tài nguyên, chủ động trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc thực thi, hoàn thiện chính sách pháp luật; thiết lập hệ thống theo dõi, đánh giá việc quản lý sử dụng tài nguyên; thực hiện đánh giá xếp hạng chỉ số bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, tập trung thanh tra xử lý nghiêm các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí như: tập trung vào các dự án được giao đất nhưng chậm đưa vào sử dụng, tổ chức được giao đất, cho thuê đất có nguồn gốc đất công; việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; việc xả nước thải vào nguồn nước…

Mặt khác, Bộ cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý chất lượng môi trường không khí, nhất là tại các thành phố lớn; đánh giá chịu tải của môi trường nước mặt và xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng nước đối với một số lưu vực sông liên tỉnh; quản lý và thực hiện tốt hoạt động quan trắc, cảnh báo chất lượng môi trường; tổ chức giám sát về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở công suất lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao theo kế hoạch đã phê duyệt; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện, trình ban hành các quy định kỹ thuật giám sát tài nguyên và môi trường bằng công nghệ viễn thám; ứng dụng công nghệ viễn thám giám sát việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất, nguồn nước xuyên biên giới, môi trường, biến động diện tích rừng, biển, hải đảo, các khu vực có nguy cơ sạt lở, giám sát việc khai thác mỏ.