Quan Lạn, lãng mạn trong gian khó

ND - Ðảo Quan Lạn nằm ở trùng khơi vịnh Bái Tử Long, cách cảng Cái Rồng (thị trấn Vân Ðồn, Quảng Ninh) hơn hai giờ tàu thủy. Quan Lạn có dòng sông Mang mênh mang trong xanh, nơi hơn 700 năm trước Phó tướng Trần Khánh Dư đánh tan 100 thuyền vũ khí, lương thực của Trương Văn Hổ, góp phần đại thắng quân Nguyên- Mông lần thứ 3.

Ngày nay, đã là đầu thế kỷ 21, mà Quan Lạn vẫn gần như biệt lập với xã hội công nghiệp, có lẽ vì thế mà nơi đây còn giữ được một làng cổ Bắc Bộ với quần thể văn hóa đình, chùa, đền, miếu, phong tục tập quán đặc sắc hiếm nơi nào sánh được.

Người người làm thơ, cả đảo làm thơ

Ở Quan Lạn có một dòng văn học dân gian truyền miệng từ đời này qua đời khác. Những đêm trăng thanh gió mát trai gái gặp nhau trên đường, thuyền nọ gặp thuyền kia trên sông trên biển là hò, đố; bao nhiêu cặp uyên ương hạnh phúc cũng từ thơ ca, hò vè. Nhiều nghệ nhân của làng ứng khẩu thành thơ, cất lời thành vè như các cụ: Ðĩ Tàng, Ðĩ Tràng, Nguyễn Thị Thềm, Lưu Văn Hạnh, v.v... Tác giả Nguyễn Quang Vinh đã sưu tầm hàng trăm bài ca dao hò vè in trong cuốn "Văn hóa làng Vân" - Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin; sau này cụ Phạm Duyệt tiếp tục công việc này. Cụ Phạm Duyệt  nguyên là Trưởng ban Văn hóa xã. Theo ông Mận thì cụ là người thông tuệ, chịu khó, cần mẫn có công với việc bảo tồn văn hóa truyền thống xã đảo Quan Lạn. Cụ say mê sưu tầm lịch sử, văn hóa, huyền thoại, tục ngữ, ca dao, hò vè, câu đố... trong dân gian; không ai giao nhiệm vụ, không ai trả công, chỉ có lòng đam mê và tình yêu mến quê hương thúc giục. Trong kho tàng văn học dân gian Quan Lạn, cụ Phạm Duyệt sưu tầm có câu đẹp như viên cát thạch anh lấp lánh:

Khi đi tóc mới ngang vai
Tắm nước giếng Hệu tóc dài ngang lưng.

Hoặc:

Gái Liễu Mai
Trai Làng Vân.

Gái Liễu Mai là gái đẹp, nết na. Trai làng Vân là trai khỏe, cường tráng, giỏi đi biển.

Hay:

Nữ: Hò ơi... Nước Tiên Yên chảy xuống cửa Ðầm Hà; thề rằng em chửa mặn mà mấy ai...ơi hò...

Nam: Hò ơi... Nước Tiên Yên chảy xuống cửa Hà Lai; thề rằng anh chẳng yêu ai bằng nàng... ơi hò...

Cái dạo đầu năm 2007, nhà văn Nguyễn Bảo, nhà văn Phùng Văn Khai và tôi có xuống Quảng Ninh dự lễ phát động thanh niên, học sinh đọc và học tập Nhật ký chiến tranh Trình Văn Vũ (tập sách được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành) do Tỉnh Ðoàn và Hội Văn học- Nghệ thuật tổ chức. Trình Văn Vũ sinh ra và lớn lên ở Minh Châu - phía đông bắc  đảo Quan Lạn. Một liệt sĩ trẻ đã để lại năm cuốn Nhật ký chiến tranh, hai tập bản thảo viết tay tiểu thuyết "Một tâm hồn" và nhiều bài thơ. Ðọc văn thơ Trình Văn Vũ, tôi không khỏi ngạc nhiên, một người chỉ học hết lớp 7, hy sinh ở tuổi 23 lại viết được những câu thơ văn chân thành, tươi rói, xúc động. Rất có thể, Trình Văn Vũ không hy sinh thì anh đã là một nhà văn đích thực. Ðọc Trình Văn Vũ, và đến khi ra đảo Quan Lạn cảm nhận được cái hùng vĩ thơ mộng của núi non, sông biển, đắm chìm vào cõi tâm linh đình chùa nghè miếu cổ và dày đặc huyền thoại, tôi mới hiểu vì sao người Quan Lạn hay làm thơ.

Ông Nguyễn Văn Mận sinh năm Ðinh Dậu. Tính nết thẳng thắn, bộc trực, đã trải qua quá nhiều gian nan. Nhập ngũ tháng  2-1975, đến tháng 11 năm 1983 thì ra quân. Ông Mận được giao làm Chủ nhiệm Hợp tác xã đánh cá Yên Hải. Thời ấy, Hợp tác xã đang bên bờ vực thẳm. 150 thợ đánh cá kèm 400 nhân khẩu ăn theo trông cậy vào hai cái tàu vỏ gỗ 40 sức ngựa. Ông Mận cùng Ban quản trị mới chống chèo, vượt qua được đận khó khăn ấy, mua sắm thêm hai con tàu nữa, có của ăn của để. Thấy ông năng động, dân bầu ông làm Phó Chủ tịch UBND  xã, rồi Chủ tịch Hội cựu chiến binh, và bây giờ là quyền Bí thư Ðảng ủy xã Quan Lạn. Ông Nguyễn Văn Mận cũng là người đam mê thơ phú. Trong gia tài thơ của ông có đến vài trăm bài. Ông đọc cho chúng tôi nghe bài viết từ lâu, bài vừa ứng tác. Bài buồn, buồn não nề phần lớn viết thời bao cấp ăn sắn ăn khoai; bài vui, vui rộn ràng sáng láng viết mừng được mùa đi biển, lắm sứa, nhiều sá sùng gần đây.

Sá sùng và thân cò lầm lũi

Quan Lạn có nghề đào sá sùng lâu đời. Sá sùng chỉ sống trong môi trường bãi cát pha có nước triều lên xuống. Khi đêm về, hàng triệu con sá sùng ngoi lên từ lỗ sâu tăm tối bơi dạo nhìn sao trời xa nhấp nháy, đón gió khơi mát rượi hoặc ngập mình mơn man trong làn nước biển mặn mòi làm cuộc giao hoan bảo toàn nòi giống. Ban ngày, không ai nhìn thấy sá sùng bò; bởi khi triều rút, đêm nhạt dần, chúng đã chui xuống tối tăm đất cát trước lúc hừng đông.

Từ lâu, trong dân gian đã biết dùng sá sùng hấp với lá dâm dương hoắc ăn để bổ thận tráng dương, mạnh gân cốt cho đàn ông. Sá sùng tươi được dùng làm thức ăn hàng ngày, xào với tỏi, giá, dứa, rau xương cá. Cứ chiều tàn, người vợ vác mai đeo giỏ về nhà, đổ sá sùng tươi hồng ra rổ mặc cho chúng toài lau nhau như rươi tháng mười vùng châu thổ sông Hồng. Trong khi vợ tắm rửa mồ hôi, bùn đất sau một ngày lam lũ cực nhọc thì người chồng cùng đàn con trứng gà trứng vịt châu đầu quanh rổ sá sùng siên lộn đất cát ra khỏi con mồi. Hoàng hôn buông trên biển, khói lam mơ màng bay lên mái bếp, cũng là lúc mùi tỏi phi trong mỡ lợn và sá sùng tươi bốc lên ngào ngạt khắp thôn. Ở đảo thường tối nhanh, khi lên đèn, đàn con háu đói đã ngồi chầu hẫu quanh mâm chực xới cơm; cảnh sum vầy ấm cúng hiển hiện trong từng nếp nhà nhỏ: chồng chan vợ húp, con được dành phần ngon. Không phải nơi nào cũng bình yên thế!

Dân đảo ăn không hết sá sùng tươi thì bán cho các thuyền lẵng làm mồi câu cá ngoài khơi xa (chính vì thế mà dân đảo gọi sá sùng là con mồi); hoặc phơi khô cất kỹ ăn dần khi nhỡ bữa và có khách. Sấy sá sùng khô bằng than hoặc phơi nắng khô nỏ quắt queo, đóng bao gói bán rẻ cũng được 800 ngàn đồng một kg. Từ thời mở cửa, sá sùng "lên ngôi đế vương", người Hán - Quảng Ðông đặc biệt ưa thích món này.

Ngày xưa, những hàng phở Bắc gia truyền ninh xương ống, sau chế gừng tươi nướng, hoa hồi, húng lìu, rồi khi vắng người, chủ nhà mới bí mật nhìn trước trông sau, lén thả vài lạng sá sùng khô quắt queo, nhăn nhúm vào nồi nước sôi lục bục... thì mới ra nồi nước dùng ngon thơm mà trong văn vắt. Bí quyết nhà nghề ấy sống để dạ chết mang theo, không phải ai cũng có được báu vật gia truyền này; ấy vậy mà, chẳng hiểu sao và từ đâu lộ ra, bây giờ quán phở Bắc nào cũng biết chế nước phở ngon từ... sá sùng. Nhưng, sá sùng thực sự có ý nghĩa và quan trọng đối với người thợ đào cực nhọc hai sương một nắng thì lại do thị trường nước ngoài như Trung Quốc, các nước Trung Ðông quyết định.

Có dịp đến thăm đảo Quan Lạn, bạn sẽ dễ mềm lòng, và thương cảm những người đàn bà thân cò lầm lũi đào sá sùng. Lúc triều rút, bãi cát mênh mông dưới nắng lửa lố nhố, liêu xiêu những bóng người lầm lũi kiếm miếng ăn. Một cái rổ, hoặc giỏ, một cái mai hoặc thuổng, những người đàn bà bước chân trần trên cát, mắt dõi theo vô vàn các vết sá sùng đi ngoằn ngoèo, tìm hoa, vân, lỗ con mồi.

Từ rất lâu đời công việc đào sá sùng chỉ dành cho phụ nữ. Bản năng đàn bà lam lũ và kinh nghiệm nghề nghiệp mách bảo họ, dưới lỗ tròn nhỏ, loe xoe viên đất cát được phun ra giống những cánh hoa đất kia là... con mồi. Lưỡi mai phóng xuống, chếch khoảng 40 độ, chân đạp vào vài mai, tay ấn cán rồi hất cát lên, cát vỡ tung ra thế nào cũng hiển hiện một chú sá sùng hồng tươi loằng ngoằng giẫy dụa. Hằng ngày, có khoảng 500 người đàn bà, con gái là 500 cái chấm đen di động nhấp nhô trên bãi cát triều lên xuống giữ thăng bằng cuộc sống từ sá sùng. Một ngày, mỗi người đàn bà đào được khoảng 1 - 1,5 kg sá sùng tươi; thu nhập từ 70 đến 100 ngàn đồng; còn đàn ông thợ nề phụ hồ chỉ có thể kiếm 30 ngàn, cùng lắm là 50 ngàn đồng; nhưng dứt khoát họ chẳng bao giờ vác mai, vác thuổng ra bãi triều cứ như nghề đào sá sùng không thỏa chí tang bồng nam nhi và chỉ dành cho đàn bà con gái thân gầy vai mảnh. Thật lạ kỳ, tôi không thể nào hiểu nổi.

Người Quan Lạn là thế, lam lũ cần mẫn và phóng khoáng lãng mạn. Có người lầm lũi đi sông biển, đi bắt sứa, đào sá sùng... thì lại có người đam mê sưu tầm văn hóa dân gian như một trách nhiệm, làm thơ như một nhu cầu tâm sự buồn vui.

Có thể bạn quan tâm