Quan điểm, định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng soi đường cho đổi mới tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn

NDO - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí vừa là nhà lãnh đạo của Đảng, vừa là nhà lý luận có nhiều cống hiến xuất sắc, nổi bật trong công tác lý luận.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và tặng quà công nhân lao động tỉnh Hưng Yên sáng mùng 4 Tết Mậu Tuất (19/2/2018). (Ảnh: HẢI NGUYỄN)
Đồng chí Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và tặng quà công nhân lao động tỉnh Hưng Yên sáng mùng 4 Tết Mậu Tuất (19/2/2018). (Ảnh: HẢI NGUYỄN)

Trong sự nghiệp của mình, vấn đề xây dựng tổ chức, kiện toàn đội ngũ cán bộ công đoàn được đặt ra trong nhiều nghiên cứu và phát biểu chỉ đạo của đồng chí. Những tổng kết lý luận khoa học sâu sắc, những chỉ đạo sát sao là nền móng, định hướng để các cấp công đoàn thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Đảng lãnh đạo Công đoàn củng cố, xây dựng tổ chức, kiện toàn đội ngũ cán bộ và cải tiến phương thức công tác

Năm 1986, mở đầu công cuộc đổi mới đất nước, cuốn sách “Tìm hiểu sự lãnh đạo của Đảng đối với Công đoàn” do đồng chí Nguyễn Phú Trọng chủ biên được xuất bản tại Nhà Xuất bản Lao động. Khi đó, đồng chí đang đảm nhiệm chức vụ Phó Trưởng ban Xây dựng Đảng của Tạp chí Cộng sản. Năm 2001, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cuốn sách được đồng chí chỉnh lý, bổ sung và cho tái bản.

Cuốn sách đã trở thành tư liệu quý bởi cung cấp những vấn đề lý luận, làm sáng tỏ những quan điểm của Đảng chung quanh vấn đề Đảng lãnh đạo Công đoàn cũng như trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong tham gia xây dựng giai cấp công nhân, xây dựng Đảng.

Từ những nghiên cứu, đồng chí đúc rút: một trong những nội dung cơ bản của sự lãnh đạo về tổ chức của Đảng đối với Công đoàn là Đảng chăm lo xây dựng và củng cố tổ chức Công đoàn, kiện toàn đội ngũ cán bộ công đoàn và đổi mới phương thức hoạt động, lề lối công tác của Công đoàn.

Quan điểm, định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng soi đường cho đổi mới tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn ảnh 1

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ cán bộ công đoàn tiêu biểu tại Phủ Chủ tịch sáng 2/7/2019, trước thềm lễ trao Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ Nhất. (Ảnh: TÙNG LÂM)

Đồng chí cho rằng, “trong việc xây dựng và củng cố tổ chức Công đoàn, khâu đặc biệt quan trọng cần quan tâm là nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các công đoàn cơ sở. Bởi vì cơ sở là nơi Công đoàn trực tiếp liên hệ với công nhân, viên chức, là nơi thực hiện mọi nhiệm vụ công tác của Đảng và Nhà nước, là nơi biến đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước thành hiện thực”[1].

Luôn dành sự quan tâm đến giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn, quán triệt quan điểm “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, trong suốt thời gian đảm nhiệm cương vị người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, 3 kỳ Đại hội Công đoàn Việt Nam, lần thứ XI, XII, XIII, khi chỉ đạo, định hướng cho Đại hội, đồng chí luôn nhấn mạnh và yêu cầu tổ chức Công đoàn đẩy mạnh xây dựng tổ chức, kiện toàn đội ngũ cán bộ, cải tiến phương thức hoạt động để phù hợp yêu cầu mới, tập hợp được đông đảo công nhân, lao động trong tất cả các thành phần kinh tế.

Tại Đại hội XI Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2013-2018, đồng chí yêu cầu công đoàn các cấp, đặc biệt là công đoàn cơ sở, phải đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, “khắc phục tình trạng xơ cứng, hành chính hoá trong hoạt động công đoàn”[2]. Đồng thời, cần đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực và trình độ đội ngũ cán bộ công đoàn, “giúp họ chẳng những có lập trường chính trị vững vàng, có nhiệt tình công tác mà còn phải có hiểu biết về văn hoá, khoa học và năng lực chuyên môn…”[3].

Trong mỗi giai đoạn, đồng chí đều bổ sung những tiêu chuẩn mới, sát tình hình thực tiễn đối với tổ chức và đội ngũ cán bộ công đoàn. Chỉ đạo tại Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2018-2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, không để bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”[4].

Quan điểm, định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng soi đường cho đổi mới tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn ảnh 2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. (Ảnh: HẢI NGUYỄN)

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028, diễn ra vào những ngày đầu tháng 12/2023. Dù tuổi cao, sức khỏe đang cần được chăm sóc, đồng chí Tổng Bí thư vẫn tới tham dự cùng tổ chức Công đoàn.

Phát biểu với Đại hội, sau khi chỉ rõ bối cảnh mới, những khó khăn, thách thức, đồng chí yêu cầu, Công đoàn cần đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động, thu hút ngày càng đông đảo công nhân, viên chức, lao động tự giác gia nhập và tham gia hoạt động Công đoàn.

Để Công đoàn có sức hấp dẫn đối với công nhân, viên chức, lao động, các cấp công đoàn phải thường xuyên quan tâm chăm lo lợi ích chính đáng và thực hiện tốt hơn nữa vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động, tạo điều kiện và tổ chức để họ phát huy tốt nhất quyền làm chủ của mình trong sản xuất, kinh doanh, công tác; coi đây là điểm then chốt để thu hút đông đảo người lao động tự nguyện tham gia công đoàn, luôn ủng hộ, gắn bó và tin tưởng vào tổ chức Công đoàn.

Công đoàn chăm lo cho đoàn viên, người lao động, theo Tổng Bí thư, đó phải là tập trung xây dựng các chương trình phúc lợi dài hạn, chăm lo, hỗ trợ toàn diện, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp, ốm đau dài ngày.

Việc chăm lo của Công đoàn phải cụ thể, chu đáo, thiết thực, quan tâm từng bữa ăn, giấc ngủ, niềm vui, nỗi buồn của đoàn viên, người lao động và gia đình của họ.

Đồng chí nhấn mạnh: “Mỗi cán bộ công đoàn phải luôn luôn đặt ra cho mình câu hỏi và trả lời: Người lao động vào tổ chức Công đoàn để làm gì và có quyền lợi gì? Phải chăng đó là để họ được giáo dục, học tập, rèn luyện và trưởng thành; được gửi gắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và quyền lợi của mình với công đoàn; tin tưởng công đoàn sẽ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho mình. Đằng sau câu hỏi đó phải là những nỗ lực của tổ chức Công đoàn, của cán bộ công đoàn để thực sự mang lại quyền lợi, niềm tin cho người lao động”[5].

Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo sát sao của đồng chí, ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Như vậy kể từ khi Nghị quyết số 167-NQ/TW ngày 21/9/1967 về việc tăng cường công tác vận động công nhân và hoạt động của công đoàn trong tình hình mới được ban hành, Bộ Chính trị tiếp tục có Nghị quyết mới về tổ chức Công đoàn. Nghị quyết 02-NQ/TW đã “thổi luồng sinh khí mới” cho hoạt động công đoàn, là sự cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và luận điểm của đồng chí: “Lãnh đạo về tổ chức là một nội dung rất quan trọng trong sự lãnh đạo của Đảng đối với Công đoàn”[6].

Nắm chắc lý luận, bám sát thực tiễn làm cơ sở để đổi mới tổ chức, hoạt động của Công đoàn Việt Nam

Thời gian tới, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục phát triển. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chuyển biến nhanh, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm, môi trường hoạt động, đối tượng tập hợp và phương thức hoạt động của tổ chức Công đoàn.

Chủ trương, quan điểm của Đảng, những luận cứ, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “kim chỉ nam” cho tổ chức Công đoàn khi xây dựng các chiến lược, chương trình hành động, vận động công nhân, viên chức, lao động trong tình hình mới.

Quan điểm, định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng soi đường cho đổi mới tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn ảnh 3

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Theo đó, Công đoàn Việt Nam xác định:

Thứ nhất, tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, nâng cao chất lượng công đoàn cơ sở về mọi mặt, xây dựng mô hình công đoàn cơ sở tinh gọn. Ban chấp hành công đoàn phải là những đoàn viên công đoàn xuất sắc đại diện các đơn vị, lĩnh vực, ưu tiên lao động trẻ.

Tuyên truyền, vận động, thương lượng để người sử dụng lao động tôn trọng, tạo điều kiện cho công đoàn cơ sở và cán bộ công đoàn hoạt động.

Nghiên cứu, triển khai các giải pháp thu hút tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp vào công đoàn; liên kết với công đoàn để tổ chức các hoạt động theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, đẩy mạnh sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy các cấp công đoàn hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liên thông, đồng bộ. Củng cố, phát triển công đoàn ngành, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn địa phương.

Thứ ba, hoàn thiện công tác đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động của các cấp công đoàn theo hướng thực chất, khách quan, công bằng.

Nội dung đánh giá, xếp loại tập trung vào kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của mỗi cấp công đoàn, nhất là ở cấp cơ sở. Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí tổ chức cho đoàn viên đánh giá sự hài lòng đối với tổ chức công đoàn.

Thứ tư, nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn nhất là cán bộ công đoàn chuyên trách và chủ tịch công đoàn cơ sở. Hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí và cơ chế đánh giá cán bộ công đoàn theo chức năng, nhiệm vụ của từng cấp công đoàn và hiệu quả hoạt động công đoàn.

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn theo hướng chuẩn hóa, khoa học, thực tiễn, thống nhất, sáng tạo. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức công đoàn kết hợp với phát huy vai trò giám sát của đoàn viên đối với cán bộ công đoàn.

Thứ năm, nghiên cứu, tham mưu với Đảng, Nhà nước về cơ chế đặc thù trong công tác tuyển dụng cán bộ công đoàn, chế độ, chính sách đối với cán bộ công đoàn.

Chủ động chuẩn bị đội ngũ cán bộ công đoàn có năng lực, phẩm chất, đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thứ sáu, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động công đoàn để bảo đảm tính xuyên suốt, hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động công đoàn. Đổi mới phương thức hoạt động theo hướng lấy đoàn viên, người lao động là trung tâm; cấp trên phục vụ cấp dưới, công đoàn cơ sở gắn bó và phục vụ đoàn viên, người lao động; phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tăng cường giám sát và phản biện xã hội.

Đồng thời, đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của cán bộ công đoàn các cấp theo hướng giảm bớt họp hành, nói gọn, viết ngắn, tăng cường đi cơ sở và lắng nghe cơ sở, giải quyết hiệu quả, kịp thời phản ánh của đoàn viên, người lao động và công đoàn cấp dưới.

Quan điểm, định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng soi đường cho đổi mới tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn ảnh 4

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, sáng 2/12/2023.

57 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi để lại trong Nhân dân, cán bộ, đoàn viên, người lao động cả nước niềm tiếc thương vô hạn. Nhưng những di sản về lý luận, những chỉ đạo sâu sắc của Đồng chí về giai cấp công nhân, Công đoàn sẽ còn mãi và trở thành cẩm nang quý giá, nền móng vững chắc để Công đoàn Việt Nam tiếp tục phát triển vững mạnh, xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động, là cơ sở chính trị-xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước.

[1] Tìm hiểu sự lãnh đạo của Đảng đối với Công đoàn, Nhà xuất bản Lao động, 2001, trang 108

[2] Văn kiện Đại hội Đại hội XI Công đoàn Việt Nam, Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội, 2013, trang 23

[3] Văn kiện Đại hội Đại hội XI Công đoàn Việt Nam, Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội, 2013, trang 24

[4] Văn kiện Đại hội Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội, 2018, trang 17, 18.

[5] Văn kiện Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội, 2024, trang 17.

[6] Tìm hiểu sự lãnh đạo của Đảng đối với Công đoàn, Nhà xuất bản Lao động, 2001, trang 102.