Năm 2012 và 2013 là thời gian diễn ra đại hội công đoàn các cấp và Ðại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI (nhiệm kỳ 2013 - 2018). Trong bối cảnh đất nước ta có những thuận lợi, thời cơ, nhưng cũng đan xen nhiều khó khăn, thách thức, đây sẽ là sự kiện chính trị quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của việc phát huy vai trò, trách nhiệm của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.
Ðể lãnh đạo đại hội công đoàn các cấp và Ðại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI đạt kết quả tốt, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy đảng, tổ chức đảng tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1- Lãnh đạo ban chấp hành công đoàn các cấp chuẩn bị tốt nội dung văn kiện trình Ðại hội. Báo cáo tổng kết cần đánh giá đúng thực trạng tình hình công nhân, viên chức, lao động và kết quả hoạt động của tổ chức công đoàn ở mỗi cấp trong việc thực hiện Ðiều lệ Công đoàn Việt Nam và mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ mà nghị quyết đại hội công đoàn cấp mình đã đề ra; nêu rõ những kết quả đạt được, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém; phân tích sâu sắc nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng, Nghị quyết số 20-NQ/T.Ư, ngày 28-1-2008 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa X về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước", Kết luận số 62-KL/T.Ư, ngày 8-12-2009 của Bộ Chính trị (khóa X) về "Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội" và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi)..., xác định rõ mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, các chỉ tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ tới, tập trung vào nâng cao chất lượng tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn các cấp, nhất là ở cơ sở với những biện pháp thực hiện cụ thể, thiết thực. Ðặc biệt, quan tâm chỉ đạo thực hiện vai trò công đoàn đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động; công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở trong các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.
2- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác nhân sự tại đại hội công đoàn các cấp theo hướng mở rộng và phát huy dân chủ, bảo đảm đúng quy trình và tiêu chuẩn trong việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự bầu vào ban chấp hành công đoàn ở mỗi cấp, nhất là đối với những chức danh chủ chốt. Nhân sự ban chấp hành công đoàn các cấp bao gồm những đồng chí có đủ tiêu chuẩn, thật sự tiêu biểu về phẩm chất, trí tuệ, trưởng thành từ thực tiễn trong phong trào công nhân, viên chức, lao động, hoạt động công đoàn, có khả năng tập hợp công nhân, viên chức, lao động, được đoàn viên tín nhiệm; đồng thời có số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm tính kế thừa và phát triển theo hướng trẻ hóa, tăng cường cán bộ nữ, phấn đấu đạt 30% nữ trong ban chấp hành công đoàn các cấp. Quan tâm thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ chuyên trách lãnh đạo công đoàn các cấp không đủ điều kiện về thời gian tham gia ban chấp hành công đoàn khóa mới, nhất là chức danh chủ tịch và phó chủ tịch.
3- Lãnh đạo tốt công tác tuyên truyền trước, trong và sau đại hội; chỉ đạo công đoàn các cấp tổ chức phát động các phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, đạt nhiều kết quả chào mừng đại hội công đoàn các cấp và Ðại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở ngành, địa phương và đất nước.
4- Ðại hội công đoàn các cấp phải được chỉ đạo tập trung, chuẩn bị chu đáo theo tinh thần đổi mới, trang trọng, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm và đúng tiến độ. Thời gian tiến hành đại hội cấp cơ sở, cấp tỉnh, công đoàn ngành Trung ương, công đoàn tổng công ty tiến hành từ quý II-2012 đến quý II-2013; Ðại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI tổ chức vào cuối quý II, đầu quý III-2013.
5- Chính quyền các cấp cần phối hợp tập trung giải quyết một số vấn đề cấp bách, bức xúc đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị và các loại hình doanh nghiệp, như: vấn đề việc làm, tiền lương, thu nhập, nhà ở, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phúc lợi công cộng, ngừng việc tập thể, đình công...; giải đáp những kiến nghị, đề xuất của công nhân, viên chức, lao động và tổ chức công đoàn. Các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo các cấp chính quyền, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể có liên quan phối hợp tạo điều kiện thuận lợi để công đoàn các cấp tổ chức tốt Ðại hội.
6- Ban Dân vận T.Ư chủ trì phối hợp Ban Tổ chức T.Ư, Ðảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan có liên quan giúp Ban Bí thư theo dõi, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị này.